THẮC MẮC

28 tuổi, nam giới, đã uống thuốc trầm cảm mà không khỏi?

Chào bác sĩ. Em năm nay 28 tuổi, là nam giới, đầu em cứ suy nghĩ liên tục hay giải thích mọi thứ xung quanh, nếu không giải thích được thì rơi vào trạng thái không tập trung được, tình trạng này đã hơn 10 năm, giờ em cảm thấy mệt mỏi, từng đi khám thì bác sĩ cho uống thuốc trầm cảm nhưng em thấy không giải quyết được vấn đề gì, bác sĩ có thể cho em lời khuyên được không a!

Tư vấn

Chào bạn!
Biểu hiện của bạn không đặc trưng cho bệnh lý cụ thể nào. Nếu bạn hay suy nghĩ và lo lắng vô cớ thì có thể đã mắc chứng rối loạn lo âu. Lo lắng là một phản ứng thông thường của cơ thể. Trạng thái tinh thần này xuất hiện khi bạn đương đầu với những tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Nhưng nếu thường xuyên thấy bất an mà không rõ căn nguyên, rất có thể bạn đang mắc chứng rối loạn lo âu do suy nhược thần kinh.
Rối loạn lo âu là biểu hiện thường gặp của suy nhược thần kinh. Chứng bệnh này đi kèm với các dấu hiệu khác như trầm cảm, chán ăn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể… Người bệnh mắc chứng rối loạn lo âu thường tự nhiên có cảm giác hoảng sợ mà không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Theo thống kê, khoảng 273 triệu người (chiếm 4,5% dân số) trên thế giới từng mắc chứng bệnh này, trong đó nữ giới thường gặp hơn.
Rối loạn lo âu bao gồm nhiều yếu tố khác nhau gây ra như:
- Sang chấn tâm lý: Gặp cú sốc về mặt tinh thần (ly hôn, người thân qua đời, vỡ nợ... ).
- Thường xuyên sử dụng cà phê, rượu, thuốc ngủ khiến tình trạng lo âu thêm nặng.
- Căng thẳng thần kinh (stress): Mối lo về tài chính hoặc bệnh tật mãn tính có thể gây rối loạn lo âu. Tình trạng này thường gặp ở người già hoặc người trẻ tuổi làm việc trong môi trường áp lực cao.
- Theo các nghiên cứu, yếu tố gia đình cũng liên quan đến việc mắc chứng rối loạn lo âu. Trẻ sinh ra trong gia đình có người lớn mắc bệnh thường bị nguy cơ cao gấp 6 lần so với bình thường.
Ngày nay, có rất nhiều lời khuyên cho việc chữa trị chứng rối loạn lo âu. Tuy nhiên, điều trị tâm lý là mấu chốt quan trọng nhất nhằm giúp bệnh nhân quen dần với vấn đề làm họ hoảng sợ, góp phần cải thiện bệnh, tránh sự trở lại của những biểu hiện tiêu cực.
Chúng ta có thể phòng ngừa chứng bệnh này bằng cách:
- Thực hành lối sống lành mạnh như dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục.
- Không lạm dụng rượu bia, thuốc kích thích.
- Tích cực giao lưu, tham gia các hoạt động xã hội để mở rộng mối quan hệ cũng như tránh được tâm lý chán nản.
- Đôi khi, chia sẻ với người thân những nỗi buồn, lo lắng hay tình trạng suy nhược (cơ thể, thần kinh) sẽ làm cho tâm lý được giải tỏa, thoải mái và lạc quan hơn về cuộc sống.
Chúc bạn sức khỏe!