THẮC MẮC

3 4 ngày gần đây tôi hay có cảm giác bị nghẹn khi ăn, khi ăn cảm thấy hơi khó nuốt

Chào bác sĩ. Tôi năm nay 24 tuổi. 3 4 ngày gần đây tôi hay có cảm giác bị nghẹn khi ăn, khi ăn cảm thấy hơi khó nuốt, tức ở ngực kể cả khi ăn thức ăn mềm. Tôi có hút thuốc lá, uống nước có gas, gần đây tôi có hơi lạm dụng uống viên sủi vitamin C nhiều, và do công việc nên 2 3 tháng trở lại đây sinh hoạt ăn uống cũng không được hợp lý. Bác sĩ cho tôi hỏi triệu chứng nghẹn khi ăn đó có phải biểu hiện của ung thư thực quản hay không hay do các bệnh lý khác. Tôi có đọc được thông tin trên các trang mạng nói rất nhiều về việc này, tuy nhiên lại chưa có thời gian đi khám. Xin bác sĩ cho lời khuyên.

Tư vấn

Chào bạn!
Khó nuốt là mất nhiều thời gian và nỗ lực để di chuyển thức ăn hoặc chất lỏng từ miệng đến dạ dày. Đôi khi, khó nuốt không phải là bệnh lý mà do khi ta ăn quá nhanh hoặc không nhai thức ăn đủ. Nhưng khó nuốt dai dẳng có thể là một bệnh lý.
Khó nuốt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Các nguyên nhân gây khó nuốt khác nhau và điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân. Biểu hiện của chứng khó nuốt là: khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc dịch xuống dạ dày trong lần nuốt đầu tiên; nôn ọe, mắc nghẹn hoặc ho khi nuốt; thức ăn bị trào ngược lên hầu, miệng hoặc mũi sau khi nuốt vào; người bệnh cảm thấy thức ăn mắc nghẹt lại ở một phần nào đó của hầu hoặc ngực; bị đau khi nuốt; bị đau hay cảm thấy nặng ngực hoặc hội chứng ợ nóng; khó khăn khi nuốt thức ăn đặc hay lỏng hoặc cả hai.
Ở người khỏe mạnh, các cơ ở hầu họng, thực quản co thắt để tống thức ăn từ miệng xuống thực quản theo phản xạ nuốt. Khi mắc bệnh khó nuốt thường do rối loạn vận động các cơ hầu họng, thực quản; hoặc là bị nghẹt ở hầu hoặc thực quản.
Khó nuốt thường do các nguyên nhân sau:
- Khó nuốt do dùng thuốc uống: một số người dường như không thể nuốt viên thuốc hoặc thuốc, mặc dù họ không có khó khăn khác khi nuốt.
- Rối loạn vận động các cơ hầu họng, thực quản; tâm vị không giãn; trào ngược dạ dày-thực quản; các tổn thương về thần kinh như bệnh Parkinson, đột quỵ; tổn thương cột sống; các bệnh lý nội khoa khác như xơ cứng bì, đái tháo đường, nhược cơ,…
- Khó nuốt thường gặp ở người cao tuổi, sa sút trí tuệ, càng lớn tuổi hiện tượng khó nuốt càng tăng.
- Khó nuốt do có dị tật bẩm sinh như hở màn hầu, lưỡi to, môi nứt…
- Khó nuốt do tắc nghẽn: do dị vật, túi thừa ở thực quản, hẹp thực quản sau biến chứng của bệnh lý ở thực quản; các khối u, polyp, sẹo do bỏng…
- Khó nuốt không rõ nguyên nhân.
Biểu hiện chung của khó nuốt thường gây ho, nghẹn, cảm giác thức ăn bị vướng ở cổ họng, vướng lại trong ngực dọc theo xương ức, tăng tiết nước bọt, sặc thức ăn lên mũi…
Khi triệu chứng khó nuốt lặp lại thường xuyên, bệnh nhân cần đi khám tại khoa tiêu hóa hoặc tai mũi họng để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Việc điều trị rối loạn khó nuốt tùy thuộc vào nguyên nhân và vị trí gây bệnh. Để dự phòng, khi ăn nên ăn từng miếng nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ… để tránh ho, sặc, dị vật rơi vào đường thở. Ở những bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản cần tránh ăn những thức ăn chua, cay, nóng. Ăn uống lành mạnh để phòng bệnh ung thư thực quản.
Chúc bạn sức khỏe!