THẮC MẮC

Bé bị dạ dày đường ruột có ảnh hưởng gì tới mùi hôi hơi thở của bé không?

Chào bác sĩ bé. Nhà con nay được 1 tuổi, hơi thở của bé có mùi hôi khó chịu. Bác sĩ cho con hỏi bé bị dạ dày đường ruột có ảnh hưởng gì tới mùi hôi hơi thở của bé không ạ. Con xin cảm ơn bác sĩ.

Tư vấn

Chào bạn!
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu miệng thường thơm mùi sữa. Tuy nhiên, bước vào độ tuổi ăn dặm hoặc chập chững tập đi, hơi thở bé bắt đầu có mùi hôi. Trẻ 1 tuổi có thể bị hôi miệng vì nhiều nguyên nhân khác nhau như:
Sức khỏe răng miệng không đảm bảo: Trẻ 1 tuổi đã xuất hiện từ 6 – 8 chiếc răng. Cha mẹ không chú ý làm sạch cho bé sẽ khiến mảng bám xuất hiện trên răng gây mùi khó chịu.
Sữa và thức ăn thừa đọng lại trên lưỡi: Lượng cặn sữa, thức ăn dặm sẽ hình thành nên lớp mảng bám màu trắng đọng trên lưỡi cũng khiến hơi thở trẻ 1 tuổi có mùi hôi.
Trẻ gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa: Trẻ uống sữa công thức hoặc chuyển sang chế độ ăn dặm có nguy cơ cao bị táo bón. Tình trạng này cũng khiến hơi thở bé có mùi khó chịu.
Trẻ bị viêm đường hô hấp trên: Tình trạng hôi miệng cũng xuất hiện khi trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm amidan... Lúc này, vi khuẩn gây bệnh xuất hiện và làm ổ tại khoang miệng của bé sẽ khiến hơi thở có mùi hôi.
Thói quen mút tay, ngậm ti giả không đảm bảo vệ sinh: Trẻ 1 tuổi bị hôi miệng còn do thói quen mút tay, ngậm ti giả. Hành vi này tạo điều kiện cho vi khuẩn từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào khoang miệng bắt đầu phát triển và gây mùi hôi.
Tình trạng hôi miệng có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của bé. Sức khỏe răng miệng và hệ tiêu hóa của trẻ 1 tuổi lúc này không được đảm bảo, bé có các dấu hiệu biếng ăn, ăn không ngon khiến cơ thể chậm phát triển.
Trước tiên, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe răng miệng và các bệnh lý ở đường tiêu hóa. Khi trẻ nhú những chiếc răng đầu tiên, cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh vùng răng và nướu của con.
Trẻ 1 tuổi chưa biết cách vệ sinh răng miệng, mẹ cần thường xuyên giúp con vệ sinh khoang miệng hàng ngày bằng cách dùng gạc mềm làm sạch vùng nướu, răng và khoang miệng. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng đừng quên thường xuyên dùng nước muối sinh lý rơ lưỡi thật sạch cho con để loại bỏ cặn bã, thức ăn thừa tồn đọng. Khi rơ lưỡi cho trẻ, cha mẹ nên thực hiện vào buổi sáng sớm lúc trẻ đói bụng nhằm tránh tình trạng nôn toàn bộ sữa và thức ăn.
Trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cha mẹ nên tăng cường cho con ăn các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng, ngừa các triệu chứng viêm, nhiễm đường hô hấp thông thường. Đồng thời hạn chế các thực phẩm gây mùi khó chịu (hành, tỏi…).
Nếu triệu chứng hôi miệng không có dấu hiệu thuyên giảm, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra tình trạng sức khỏe của con, xác định chính xác nguyên nhân để có hướng can thiệp điều trị đúng.
Chúc bé sức khỏe!