THẮC MẮC

Bé nhà em được 3, 5 tuổi, khi bé nhìn vật gì đó ở xa 1 bên mắt trái của bé bé lác là sao?

Chào bác sỹ. Bé nhà em được 3, 5 tuổi, khi bé nhìn vật gì đó ở xa 1 bên mắt trái của bé bé lác, nhưng khi bé nhìn gần và nhìn tập trung 1 vật gì đó thì mắt bé lại bình thường. Em có đưa bé đi xuống bệnh viện mắt Điện Biên Phủ khám bác sỹ kết luận bé không bị sao 6 tháng tái khám lại và cho uống thuốc Philute 20mg. Nhưng bản thân người làm mẹ em cảm thấy hoang mang quá vì rõ ràng là nhìn 2 mắt bé không được bình thường 1 mắt lệch nơi khác, vậy nhờ bác sỹ tư vấn giúp em mắt bé em giờ phải điều trị thế nào cho nhanh hồi phục ạ Em chân thành cảm ơn bác sỹ

Tư vấn

Chào bạn!
Lác mắt là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em, trong đó có sự lệch trục nhãn cầu, thường kèm theo rối loạn thị giác của một hoặc hai mắt. Do đó khi người bị lác mắt nhìn vật nào đó, hai mắt không thẳng hàng mà có một mắt lệch đi so với mắt kia.
Lác thường gặp ở lứa tuổi bắt đầu đi học, khi thị giác đang trong thời kỳ phát triển, trẻ em bắt đầu biết sử dụng mắt và sự phối hợp hoạt động của các cơ mắt chưa được cân bằng. Thường chỉ có một mắt bị lác, được phân biệt thành lác trong (mắt nhìn vào trong), lác ngoài (mắt nhìn ra ngoài), lác dọc (mắt nhìn lên trên hoặc xuống dưới), lác luân phiên (lúc mắt này lác, lúc mắt kia lác).
Quan niệm cho rằng trẻ bị lác khi lớn lên sẽ tự khỏi, hoặc bệnh lác mắt chỉ gây ra các vấn đề về thẩm mỹ cho người bệnh là không đúng. Mắt bị lác nhìn kém, cho hình ảnh không rõ nên không chịu nhìn nữa (mắt “lười”) và sẽ dẫn tới nhược thị.
Bên cạnh sự lệch trục nhãn cầu và nhược thị thì rối loạn thị giác 2 mắt là yếu tố quan trọng mà gia đình bạn thường không để ý nên không cho đó là mục tiêu chính của việc điều trị. Song, đối với các bác sĩ nhãn khoa thì đây chính là yếu tố quan trọng giúp cho họ tiên lượng, quyết định việc điều trị.
Vì vậy, bạn nên đưa cháu đến khám thêm tại bệnh viện mắt khác để xác định. Một số phương pháp sau thường được áp dụng:
- Che kín mắt tốt lại trong một thời gian để bắt mắt “lười” hoạt động. Cách chữa này chỉ hữu hiệu khi trẻ dưới 7 tuổi, sau tuổi này rất khó áp dụng.
- Cho trẻ bị cận thị hay viễn thị đeo kính, lý tưởng là khi trẻ dưới 5 tuổi, cho kết quả điều trị tốt. Đa số trẻ em khi được phối hợp bịt mắt và đeo kính có thể khỏi lác trong vòng 6 tháng đến 2 năm.
- Phẫu thuật: áp dụng khi các phương pháp nội khoa không hiệu quả hoặc trẻ bị lác do bất thường của cơ, thần kinh.
Sau điều trị vẫn phải giúp trẻ thường xuyên luyện tập mắt để lập lại hoạt động cân bằng của các cơ mắt.
Bạn có thể đưa cháu đến Bệnh viện Mắt Trung ương để khám và có hướng xử trí kịp thời.
Chúc cháu bé sức khỏe!