THẮC MẮC

Bé ói ra thức ăn còn nguyên như mới ăn, bé ói vào lúc tói bé ngủ, bé khóc và bật dậy ói

Bé gái 21 tháng tuổi, nặng 10, 5kg. Bé bắt đầu ói lúc 1 tuổi, khoảng 4 5 ngày bé mới ói, bé ói ra thức ăn còn nguyên như mới ăn, bé ói vào lúc tói bé ngủ, bé khóc và bật dậy ói. Nhưng 1 tháng trở lại, ngày nào bé cũng ói, ngày có khi ói 2 3 lần, đa phần là vào buổi tói. Bé có kèm theo khò khè. Lúc bé mới bắt đầu bệnh đã đi khám bác sĩ, nhưng không mấy khả quan, bé dùng thuốc agimoti-s, motilium, khèm theo 1 số thuốcVMH, nhưng tình trạng bé vẫn vậy. Bác sĩ tư vấn giúp em hướng đi để điều trị cho bé, ở bệnh viện nào chuyên khoa nào

Tư vấn

 Chào bạn!
Không có bà mẹ nào không trải qua tâm trạng xót ruột khi con nôn trớ. Giải thích điều này, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, đó là do cấu tạo hệ tiêu hóa trẻ em. Trước 6 tuổi, thực quản - dạ dày trẻ gần như là một đường thẳng, chưa tạo thành góc cong rõ rệt như người lớn. Do đó, thức ăn đưa vào rất dễ trào ngược lên. Ngoài ra, hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ gây kích thích co bóp dạ dày, dẫn đến hiện tượng này
Trẻ dưới 1 tuổi (nhất là 6 tháng đầu) rất hay bị trớ khi ăn quá nhiều, hoặc bú không đúng cách nên nuốt phải quá nhiều hơi. Trẻ cười to, đùa nghịch, vận động nhiều khi đang ăn hoặc mới ăn xong cũng dễ bị trào thực phẩm ra ngoài.
Ngoài ra, nếu bị viêm họng, amiđan, phế quản, phổi..., trẻ cũng dễ nôn sau ăn, hay khi ho quá nhiều. Đó là hiện tượng bình thường, bố mẹ không nên quá lo lắng.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nôn lại là dấu hiệu của bệnh lý, thậm chí rất nguy hiểm, cần sớm đưa trẻ đến gặp bác sĩ
Nôn do dị dạng đường tiêu hóa
Teo hẹp thực quản: Thường phát hiện ngay ở giai đoạn sơ sinh (1 tháng đầu). Do dị tật này, trẻ vừa bú đã sặc và nôn ngay bởi thức ăn không kịp xuống phía dưới của đường tiêu hóa.
Hẹp tá tràng, ruột non: Thức ăn không tiếp tục đi xuống đoạn cuối ống tiêu hóa được, dẫn đến hiện tượng nôn sau khi ăn 2-3 tiếng, nôn hết mới thôi. Triệu chứng cũng được phát hiện ngay ở giai đoạn sơ sinh.
Phì đại cơ môn vị ở phần cuối dạ dày, cơ này co bóp thường xuyên khiến trẻ dễ bị nôn khoảng 1-2 tiếng sau ăn, chất nôn có vón sữa. Thường xuất hiện khi trẻ 2-3 tháng.
Phình đại trạng bẩm sinh: Đoạn cuối ống tiêu hóa không có thần kinh co bóp nên phân tắc lại, lâu ngày phình to. Khi tắc đầy quá, trẻ sẽ bị nôn, găp từ sơ sinh đến lớn.
Nôn do các bệnh về não
Viêm não, màng não: Gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó viêm màng não (do vi khuẩn) thường gặp ở những cháu dưới 1 tuổi; viêm não (thường do virus) hay xảy ra nhất ở trẻ 3 tuổi trở lên. Trẻ sốt, thóp phồng, nôn vọt (phun như vòi), sau đó là lơ mơ, mất tri giác, hoặc ngủ li bì...
Xuất huyết não, màng não do thiếu vitamin K: Xảy ra lúc khoảng 45 ngày tuổi ở những trẻ không được tiêm vitamin K khi mới ra đời. Thường trẻ tự nhiên khóc thét lên một tiếng (có những trẻ không khóc), da xanh nhợt đi do thiếu máu, nôn vọt, li bì, thóp phồng.
Tai biến mạch máu não: Do dị dạng mạch máu, thường xảy ra ở trẻ lớn, khoảng 9-10 tuổi. Trẻ tự nhiên đau đầu, sau đó có biểu hiện thiếu máu (da, môi, niêm mạc xanh nhợt), nôn, hôn mê.
Các nguyên nhân khác
Bã thức ăn: Thức ăn không được tiêu hóa hết, vón thành cục, gây tắc ở tá tràng. Trẻ không sốt, cứ ăn vào là nôn, đi ngoài rất ít phân. Bệnh thường xảy ra ở trẻ ngoài 3 tuổi.
Nhiễm virus đường tiêu hóa: Thường gặp nhất là rota virus, gây tiêu chảy và nôn, kèm sốt. Bệnh xảy ra nhiều ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Lồng ruột: Gặp nhiều nhất ở trẻ 7-8 tháng đến 1 tuổi. Trẻ bỗng nhiên khóc thét vì đau bụng, nôn vọt nhiều lần, thậm chí không còn thức ăn vẫn nôn.
Trường hợp bé của bạn bị nôn / ói sau khi ăn kéo dài, bạn nên đưa bé đi khám chuyên khoa Nhi các bệnh viện uy tín hoặc tốt nhất đến bệnh viện nhi trung ương để tìm hiểu nguyên nhân và được các bác sĩ tư vấn cách điều trị kịp thời.
Chúc bạn nuôi con khỏe!