THẮC MẮC

Bị bong gân 2 tháng vẫn nhói, nhức bắp chân, sưng làm sao cho bớt sưng?

Chào bác sĩ. Tình trạng của em là bị bong gân đã 2 tháng rồi ạ. Tuy nhiên cũng đã bớt đau nhưng nếu đi lại một đôi chỗ nó vẫn nhói và hay nhức bắp chân vào ban đêm, và vẫn còn sưng ạ. Cho em hỏi vậy có sao không ạ. Và em phải làm gì để đỡ bớt sưng ạ. Em xin cám ơn.

Tư vấn

Chào bạn!
Bong gân nghĩa là bong các tổ chức bám quanh khớp do bị chấn động mạnh quá mức, thường xảy ra sau một chấn thương gián tiếp khi chạy nhảy, trượt ngã. Bong gân là tai biến dễ gặp ở mắt cá chân, bàn chân, khớp gối. Tai nạn này thường xảy ra do ngã hoặc trượt chân; sức nặng cơ thể chuyển hướng đột ngột khiến khớp bị xoắn vặn, dây chằng khớp bị kéo căng ra quá mức. Dây chằng có thể bị tổn thương ở nhiều mức độ. Ở mức nhẹ, gân chỉ bị kéo dài ra, một số ít bó sợi bị đứt (độ 1), hoặc nhiều bó bị đứt (độ 2) nhưng khớp vẫn vững, tổn thương mau liền, ít biến chứng. Ở thể nặng (độ 3), dây chằng bị bóc khỏi một đầu xương hoặc bị đứt đôi gây lỏng khớp kèm theo nhiều biến chứng.
Triệu chứng chỉ điểm của bong gân là đau, càng đau nhiều càng nặng, kèm theo phù nề (xuất hiện nhanh), da vùng khớp tái nhợt do chảy máu trong và biến loạn vận mạch. Sau đó sẽ xuất hiện vết bầm máu ở sâu. Nếu bong gân ở bàn chân, mắt cá chân, bệnh nhân sẽ không bước đi được nữa, phải đặt bàn chân nằm xuống đất.
Nếu là bong gân độ 1, khi đã hết đau, bệnh nhân có thể bắt đầu vận động khớp trở lại. Để điều trị bong gân độ 2-3, phải làm băng bột để bất động khớp trong 4-6 tuần, sau đó tập vận động từ nhẹ đến nặng. Cách điều trị bong gân độ 3 (đặc biệt ở khớp gối, khớp cổ chân đối với người trẻ) là khâu tái tạo dây chằng bị đứt kết hợp với bất động trong 6 tuần.
Cháu bị bong gân cũng gần 2 tháng rồi nhưng vẫn còn sưng và đau. Bạn không nói rõ là cháu bị bong gân ở khu vực nào, nên khó có thể tư vấn được. Như trên đã nói bong gân cần bất động và tránh vận động mạnh để phục hồi ít nhất là 6 tuần, sau đó chỉ được vận động hết sức nhẹ nhàng. Trường hợp của bạn bong gân được 2 tháng nhưng vẫn còn đau, do đó bạn cần đi khám lại xem có bị đứt dây chằng hay không, nếu có phải khâu phục hồi dây chằng. Nếu không bị đứt dây chằng có thể điều trị bằng vật lý trị liệu hoặc tham khảo dùng các bài thuốc nam.
Chúc bạn sớm khỏi bệnh!