THẮC MẮC

Bị mèo cắn vào ngón trỏ cũng không sâu lắm nhưng để lại 2 vết cắn của nanh có cần tiêm phòng không?

Chào bác sĩ, năm nay con 17 tuổi, là nữ, hôm qua con đi học về thì gặp một con mèo ngoài đường thấy mèo bị tật 2 chân trước, tội quá nên con mang về nuôi về tới con có lấy cơm cho nó ăn nhưng để im thì nó không ăn nên con lấy tay đút ai dè nó ăn cơm xong nó cắn vào tay luôn vết thương là ngón trỏ cũng không sâu lắm nhưng để lại 2 vết cắn của nanh, sau đó đã sát khuẩn bằng ôxy già, nước sạch, nước muối, hôm nay mèo đã đi mất bây giờ phải làm sao đây bác sĩ.

Tư vấn

Chào bạn!
Khi bị chó mèo cắn, cần nhanh chóng dùng các biện pháp để tách con ra vật khỏi nạn nhân, tránh gây thêm thương tích. Vết thương cần được rửa dưới vòi nước chảy nhẹ, tránh để tổn thương nặng thêm. Sau đó, rửa lại vết thương bằng xà phòng sát khuẩn hoặc dung dịch sát trùng. Nếu vết thương chảy máu, cứ để máu chảy chừng 10 phút đầu rồi mới băng lại. Với các vết thương sâu, trúng phải mạch máu lớn, cần cầm máu bằng ga-rô rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Phải tiến hành tiêm phòng ngay nếu nạn nhân bị cắn là trẻ nhỏ, vết cắn sâu hoặc nằm ở các bộ phận nguy hiểm như đầu, mắt, đầu chi, cơ quan sinh dục… Ngoài ra, nếu trước đó con vật từng cắn người hoặc có biểu hiện lên cơn dại, con vật sống trong vùng dịch dại hoặc bạn không thể theo dõi được con vật cũng đều cần đi tiêm phòng.
Với các vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương (như cẳng chân), con vật không có biểu hiện dại, đã được tiêm phòng, sống trong khu vực không có bệnh dại, có thể chỉ cần theo dõi con vật trong vòng 10 – 15 ngày để xem xét khả năng tiêm phòng. Nếu con vật vẫn sống khoẻ mạnh thì không cần tiêm. Nhưng nếu nó bị mất tích, lên cơn dại hoặc bị giết trong thời gian theo dõi thì việc chủng ngừa là vô cùng cần thiết.
Vì vậy trường hợp của bạn để an tâm cần nhanh chóng đến trung tâm y tế tiêm phòng dại nhé.
Chúc bạn sức khỏe!