THẮC MẮC

Bố cháu bị gan, nang bên trái có nang kích thước 1. 0 cm và gan phải có kích thước là 2. 8 cm

Bác sĩ cho cháu hỏi bệnh về gan. Bố cháu cách đây 6 năm đi xét nghiệm máu đước xác định là bị viruts viêm gan b và uống thuốc và ở nhà có uống thuốc lá và ông vẫn hay đi xét nghiệm máu để theo dõi nhưng tuần trước ông có đi siêu âm và xét nghiệm lại thì bệnh viện nói ông bị 2 nang gan. Nang bên trái có nang kích thước 1. 0 cm và gan phải có kích thước là 2. 8 cm và dạo này ông thấy hơi tức ở sườn vậy bác sĩ cho cháu hỏi bệnh tình của bố cháu như vậy có nặng không ạ. Và phương pháp điều trị như thế nào ạ. Và cần kiên những gì. Cám ơn bác sĩ nhiều. Mong sớm nhận được sự hồi âm của bác sĩ.

Tư vấn

 Chào bạn!
Trước hết bạn cần hiểu nguồn gốc xuất phát của các nang gan là từ các cấu trúc của gan bao gồm các tế bào gan, mạch máu nuôi gan, đường mật...Thường thấy nang đường mật, nang mạch… tại gan. Ngoài ra, một số nang do các bệnh từ xa mang đến gan như nang sán, nang lao là do nhiễm phải ký sinh trùng và vi khuẩn lao thì nguyên nhân còn lại thường do di truyền,bẩm sinh như gan đa nang, nang lympho, nang đơn thuần, nang máu. Bệnh thường tình cờ phát hiện bằng siêu âm ổ bụng. Gọi là nang khi tồn tại một ổ trống có thể có chứa dịch, máu hoặc không chứa gì, nằm trong tổ chức nội tạng như gan, phổi, buồng trứng, thận...Hình ảnh biểu hiện qua siêu âm của nang gan thường thấy như sau:
- Vô âm, bờ rõ, vỏ rõ, số lượng chủ yếu tuỳ theo nhưng đa số chỉ có 1 đến 2 nang, vị trí chủ yếu ở gan phải, kích thước thường nhỏ hơn 5cm. Tuy nhiên có thể rất lớn.
Nang gan rất hiếm gặp, bệnh thường lành tính, hay gặp ở phụ nữ. Khi kích thước nhỏ dưới 6cm thường không gây triệu chứng gì nên ít khi phải can thiệp nhưng phải theo dõi định kỳ để xác định tốc độ phát triển của nang, chỉ khi nang to lên trên 6cm mới có triệu chứng lâm sàng. Hãn hữu có trường hợp có biến chứng gây đau, mất máu do chảy máu trong nang.
Khi có những nguy cơ đe dọa như nang quá to có thể gây vỡ hay biến chứng chèn ép làm tắc đường mật... thì tùy theo trường hợp các Bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể từ điều trị nội khoa dùng thuốc, đến các thủ thuật nội soi, tiêm xơ hay phẫu thuật cắt chóp. Trường hợp của bố bạn nên định kỳ đi khám siêu âm ổ bụng 6 tháng một lần. Nếu thấy kích thước trên siêu âm tăng nhanh >10 cm thì vẫn phải đi khám để Bác sĩ can thiệp kịp thời đề phòng các biến chứng như chảy máu trong nang, chèn ép đường mật, vỡ nang khi có va chạm nhẹ…
Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!