THẮC MẮC

Buổi sáng thấy hiện tượng khoeo chân phải bị cứng không gập được chân có liên quan đến chứng giãn tĩnh mạch?

Chào bác sĩ. Cháu năm nay 20 tuổi, là nữ giới. Vào 1 buổi sáng cháu thấy hiện tượng khoeo chân phải bị cứng, chỉ duỗi thẳng ra và không gập chân được. Khi co chân vào cháu rất đau. Sau khi tiêm 3 mũi thuốc kháng viêm giảm đau thì chân cháu có chút biến chuyển rồi sau đó cháu vẫn thấy đau xuống bắp chân. 1 vài ngày sau thì chân cháu bị tím đỏ 1 số chỗ và gần mắt cá chân của cháu cũng bị tím bầm lại, cháu có đi lại nhưng tiêm rồi mà vẫn chưa khỏi. Tình trạng chân của cháu đã bị được gần 3 tuần ạ. Cháu đang thắc mắc liệu chân cháu có liên quan đến triệu chứng giãn tĩnh mạch không .

Tư vấn

Chào bạn!
Ở giai đoạn đầu của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới, các triệu chứng ban đầu của bệnh cũng thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh thường có biểu hiện đau chân, nặng chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường; Mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều; Chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Nhiều mạch máu nhỏ li ti (giai đoạn đầu chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân). Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi, các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều, lúc giãn, lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.
Giai đoạn tiến triển, bệnh sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày sẽ có biểu hiện loạn dưỡng. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da một cách thường xuyên, các mảng bầm máu trên da...
Giai đoạn biến chứng, gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối (biến chứng của viêm tĩnh mạch nông huyết khối là thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, đoạn xa và thuyên tắc phổi), chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính.
Do không thăm khám cho bạn nên khó xác định chính xác bạn có bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay không. Tuy nhiên với tình trạng hiện tại bạn không nên tiếp tục đến phòng khám tư tiêm thuốc nữa, phải đến bệnh viện uy tín khám, làm thêm một số xét nghiệm và thăm dò cần thiết để chẩn đoán bệnh, từ đó có hướng điều trị hiệu quả nhé.
Chúc bạn sức khỏe!