THẮC MẮC

Cảm giác không vui, thấy mọi chuyện trong cuộc sống rất nhàm chán, dễ bị đánh động là đang mắc bệnh gì?

Chào bác sĩ. Vài tháng trở lại đây cháu có cảm giác không vui, mọi chuyện trong cuộc sống đến với cháu rất nhàm chán. Bố mẹ hay là mắng trách phạt thậm chí là đánh cháu, xuất phát từ sự việc bố mẹ nghi oan cháu lấy tiền của bố mẹ. Công việc học tập của cháu sa sút và cháu rất mặc cảm xấu hổ vì 19 tuổi mà phải ngồi lại học 11 vì bố mẹ cháu, cháu không thể tập trung nổi. Cháu không muốn gặp ai cả kể cả bà con họ hàng khi họ đến nhà, cháu rất tức giận mỗi khi có bạn nào nói chuyện về một đôi bạn đang yêu nhau. Cháu rất buồn cảm thấy mọi thứ thật rồi tệ mỗi khi ai nói ra cháu đã làm sai một chuyện nào đó, những lúc ấy cháu chỉ muốn khóc. Tâm trạng cháu rất dễ bị đánh động. Cháu thấy ghét bản thân của mình vì quá vô dụng quá xấu xí mỗi khi cháu nhìn vào gương, luôn muốn nó phải vận động thật nhiều không được ăn nhiều, phải vằn vặc nó không được để nó... Cháu xin bác sĩ! Xin bác sĩ hãy nói cháu biết là cháu đang gặp phải vấn đề gì vậy? Năm tới 12 là cháu phải đối đầu với kỳ thi Thpt quốc gia rồi ạ!

Tư vấn

Chào cháu!
Trầm cảm là một trong các rối loạn tâm thần phổ biến thuộc sức khỏe tâm thần.
Theo một số nghiên cứu, gần 3% trẻ em từ 6-12 tuổi và 8% thiếu niên mắc bệnh này. Ở nước ta bệnh trầm cảm gặp ở mọi lứa tuổi.
Hiện trên thế giới có 350 triệu người có dấu hiệu của trầm cảm. Hằng năm có 1 triệu người chết do tự sát liên quan đến trầm cảm (tức mỗi ngày có khoảng 3.000 người chết). Trong đó chủ yếu ở độ tuổi 20 - 30.
Trầm cảm có nhiều nguyên nhân: yếu tố di truyền, mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể hoặc các yếu tố gây stress và những biến cố trong cuộc sống.
Bệnh nhân trầm cảm thường có các triệu chứng sau:
- Khó ngủ, ngủ ít, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều.
- Cảm giác mệt mỏi hoặc mất năng lượng, mất sinh lực, uể oải.
- Ăn mất ngon, ăn ít hoặc ăn quá nhiều.
- Mất thú vị, hứng thú hoặc mất quan tâm trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí.
- Cảm giác buồn rầu, buồn bã hoặc bực bội khó chịu.
- Có ý nghĩ chán nản, buông xuôi, bỏ mặc bản thân hoặc gia đình, ý nghĩ tự cho mình không xứng đáng hoặc tự buộc tội bản thân.
- Khó khăn khi tập trung vào việc gì đó, chẳng hạn khi đọc báo hoặc xem truyền hình.
- Cảm giác bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên, lo lắng hơn bình thường. Đặc biệt có ý nghĩ muốn chết, muốn gây thương tích cho mình hoặc không bằng lòng với cuộc sống.
- Thường xuyên lo lắng về những rối loạn trong cơ thể của mình (nhức đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, nôn, đổ mồ hôi, đau cơ...).
Với biểu hiện như cháu mô tả có thể cháu đang có những triệu chứng ban đầu của trầm cảm, trầm cảm nếu không được phát hiện điều trị đúng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Người trầm cảm cần được sự chia sẻ động viên của người thân trong gia đình và kết hợp với dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sớm. Với tình trạng hiện tại cháu nên nói với bố mẹ và đi khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần sớm để xác định tình trạng bệnh và có hướng điều trị, tư vấn phù hợp, trầm cảm nếu được chữa trị sớm và đúng cách thì tỉ lệ bệnh ổn định khá cao (70 - 80%).
Chúc cháu sức khỏe!