THẮC MẮC

Chứng giật chân khi ngủ có liên quan đến tim mạch không?

Chào bác sĩ, bác sĩ vui lòng tư vấn giúp chứng giật chân khi ngủ của chồng tôi. Năm nay chồng tôi 33 tuổi, đã phải phẫu thuật lắp stent tim mạch cách đây 1 năm do bị nhồi máu cơ tim đột ngột. Cả trước và sau phẫu thuật, khi đi ngủ dù ngủ sâu chồng tôi vẫn bị giật chân rất mạnh và rất nhiều lần. Sau phẫu thuật chồng tôi vẫn duy trì uống thuốc đều đặn hàng ngày. Không hiểu chứng giật chân này có liên quan đến tim mạch không ?Xin cảm ơn.

Tư vấn

Chào bạn!
Biểu hiện chồng bạn đang gặp phải nghĩ nhiều đến hội chứng chân không nghỉ. Đây là một rối loạn thần kinh đặc trưng bởi những cơn run giật, đau nhói, co kéo, tê dần dần, hoặc cảm giác khó chịu ở chân không thể kiểm soát được buộc người bệnh phải di chuyển chân liên tục. Các triệu chứng xuất hiện chủ yếu vào ban đêm, khi người bệnh thư giãn nghỉ ngơi hoặc trong giấc ngủ. Hội chứng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới, nhưng thường phổ biến hơn ở phụ nữ và có xu hướng tăng lên theo tuổi tác. Nó xảy ra ở khoảng 5% số người từ 30 – 50 tuổi và 44% ở những người trên 65 tuổi.
Hơn 80% những người mắc hội chứng chân không nghỉ có chu kỳ trong giấc ngủ, nó thường xảy ra sau cứ mỗi 15 - 40 giây, và có thể lặp lại trong suốt cả đêm. Các triệu chứng này làm người bệnh bị thức tỉnh nhiều lần trong đêm, khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Người bệnh bị mất ngủ và thường cảm thấy rất buồn ngủ, mệt mỏi vào ban ngày. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn, dẫn tới trầm cảm, suy giảm trí nhớ, giảm sút sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần.
Trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân của hội chứng chân không nghỉ là vô căn (không rõ ràng), nhưng nó có thể được kích hoạt bởi một số yếu tố tác động như thuốc, thiếu sắt, thiếu máu, suy thận và bệnh lý thần kinh.
Bệnh nhân có triệu chứng của hội chứng chân không nghỉ nên được thực hiện nghiệm pháp ghi đa ký giấc ngủ (polysomnography) để xác định sự hiện diện của nguyên nhân gây gián đoạn giấc ngủ khác (ví dụ ngưng thở khi ngủ), đồng thời theo dõi, kiểm soát chứng rối loạn này.
Với tình trạng hiện tại chồng bạn nên đến chuyên khoa thần kinh để bác sĩ thăm khám, tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Chúc chồng bạn sức khỏe!