THẮC MẮC

Cổ tay có 1 cục xương nhô lên sờ vào cứng không đau nhiều điều trị thế nào?

Chào bác sĩ. Năm nay em 26 tuổi. Ở cổ tay em có 1 cục xương nhô lên, sờ vào thì cứng không đau nhiều, nhưng khi cử động thì đau quanh vùng bị mọc xương, em đi khám chụp x quang không thấy gì. Bác sĩ cho thuốc viêm cơ khớp nhưng em uống không thấy khỏi mà tình hình vào ban đêm đau nhiều, không thể hoạt động, bác sĩ cho em hỏi em bị như vậy là bệnh gì vậy ạ, có cần lên bệnh viện tuyến trên làm xét nghiệm gì thêm không ạ, lúc em đi khám chụp x quang là bệnh viện huyện ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Hiện tượng ở cổ tay nhô lên một cục cứng nhỏ, nhiều người tưởng lầm là cục xương, nhưng đây không phải là một cục xương nhỏ mà là u hoạt dịch.
Bao hoạt dịch là một bao xơ dày bên trong chứa chất nhày là dịch ổ khớp có tác dụng bôi trơn cho khớp. Bao hoạt dịch được bảo vệ bên ngoài bằng các vòng dây xơ (dây chằng khớp). Khi các dây chằng này bị yếu áp lực cao trong bao khớp sẽ làm bao khớp bị phồng dãn, dịch khớp đẩy lồi ra hình thành một khối u (tương tự như lốp xe đạp bị yếu làm xăm bị chửa), nên gọi là u bao hoạt dịch.
Ở những nơi khác do cấu trúc dây chằng bao quanh đơn giản (ví dụ khớp gối), khi vận động có áp lực cao tạo thành khối u, nhưng khi nghỉ ngơi hết áp lực dịch khớp thoái lui thì u tự xẹp. Hiện tượng khi đứng ở đằng sau khớp gối (kheo) có hình thành một khối u cứng chắc, nhưng khi nằm xuống thì u này lại xẹp mất đi chính là hiện tượng thoát vị dịch bao khớp (u bao hoạt dịch).
Riêng ở khu vực cổ tay, do cấu tạo dây chằng phức tạp, có nhiều lớp đan chéo nhau, sự yếu của dây chằng có thể tạo thành một lỗ nhỏ, bao xơ và dịch nhày bị đẩy vào khoang này hình thành một cái van một chiều, chỉ cho dịch nhày đi ra qua lỗ này mà không cho thoái ngược trở lại. Vì vậy, do hoạt động của khớp cổ tay dần dần hỉnh thành một cục cứng căng tương tự như một cục xương, khi bạn nghỉ ngơi chỉ bớt tức chứ khối u này không xẹp lại.
Bạn không phải lo lắng mà chỉ cần hạn chế vận động nhiều ở vùng cổ tay, nếu u này to lên nhiều ảnh hưởng đến thẩm mỹ và vận động thì đi tiểu phẫu cắt bỏ phần phình (thoát vị) này đi và khâu củng cố tăng cường sức bền của dây chằng, làm mất hiện tượng suy yếu của dây chằng khớp.
Chúc bạn mạnh khỏe!