THẮC MẮC

Con tôi cần ăn gì để tăng cân để tiếp tục phẫu thuật lần thứ hai?

Con tôi bị tim bẩm sinh tứ chứng pallot đã phẫu thuật tạm thời cách đây ba tháng hiện cháu được 11 tháng cân nặng 9 kg cho tôi hỏi con tôi cần ăn gì để tăng cân để tiếp tục phẫu thuật lần thứ hai ạ vì cháu ăn rất ít hay bị trớ ạ nhờ bác sĩ tư vấn cho ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Về cơ bản, các thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa bú hoặc ăn không khác gì so với trẻ bình thường. Tuy nhiên, do những đặc điểm của hệ tiêu hóa gan mật của trẻ bệnh tim, khi nuôi trẻ có bệnh tim các bậc cha mẹ cần chú ý các điểm sau:
* Về thành phần dinh dưỡng
- Nếu trẻ suy dinh dưỡng, phải sử dụng những loại sữa có năng lượng cao, những thực phẩm giàu năng lượng thường là chất béo. Điều này giúp cho số lượng thức ăn hoặc sữa ăn vào không thay đổi nhưng trẻ được cung cấp một năng lượng cao hơn bình thường, giúp trẻ chóng tăng cân.
Tuy nhiên do ruột của trẻ có bệnh tim, nhất là trẻ có suy tim hoặc tim bẩm sinh tím, thường có khả năng hấp thu thức ăn kém, nên khi ăn hoặc bú những thức ăn hoặc sữa giàu năng lượng, trẻ có thể bị tiêu chảy, trong trường hợp này cần giảm bớt những thứ này lại.
- Trẻ bị suy tim phải ăn nhạt (không nêm mắm muối), như vậy trẻ sẽ rất chán ăn. Nếu trẻ lớn có thể dễ chấp nhận chế độ ăn này sau khi nghe giải thích. Nhưng trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường không hiểu nên nếu cho trẻ ăn nhạt trẻ sẽ từ chối và không ăn. Trong những trường hợp này có thể cho trẻ ăn bình thường và bác sĩ sẽ cho trẻ uống thêm thuốc.
- Trẻ lớn bị suy tim chỉ nên uống nước khi cảm thấy khát, trẻ nhỏ còn bú sữa chỉ cần bú sữa đầy đủ là đủ nước.
- Những trẻ sử dụng thuốc lợi tiểu như Lasix (furosemide) sẽ dễ bị thiếu chất kali, nên ăn thêm những thực phẩm giàu kali như cam, chuối, nho, đu đủ, nước dừa,…
* Về cách cho trẻ ăn hoặc bú
- Khi cho trẻ ăn hoặc bú phải nâng cao đầu trẻ lên, tránh ọc ói, hít sặc.
- Không cho trẻ bú hoặc ăn quá no vì trẻ rất khó tiêu nên sẽ dễ bị ói. Chia bữa ăn hoặc số lần bú ra nhiều lần hơn so với bình thường.
- Trong lúc trẻ bệnh nặng có thể không bú hoặc ăn được, bác sĩ sẽ đặt ống thông vào dạ dày giúp đưa thức ăn vào đường tiêu hóa.
Chúc bé sức khỏe!