THẮC MẮC

Đi siêu âm thấy kết quả thận đa nang, thận trái#d12mm, thận phải #d17mm nghĩa là gì?

Đi siêu âm thấy kết quả thận đa nang, thận trái#d12mm, thận phải #d17mm, thấy đau phía sau lưng khi ho, vậy có cần mổ kg bác sĩ

Tư vấn

Chào bạn!
Thận đa nang người lớn là bệnh di truyền theo gen trội (Autosomal dominant); là loại bệnh thận có nang, thường gặp nhất sau thận nang đơn. Thường phát hiện ở tuổi 30 - 40 với đặc trưng lâm sàng là thận to nhiều nang 2 bên, diễn biến đến suy thận. Tuổi thọ trung bình là 50.
- Triệu chứng cơ năng:
+ Đau vùng hông-lưng hoặc sườn-lưng, hoặc có cơn đau quặn thận cấp (do sỏi hoặc chảy máu trong nang).
+ Tức bụng khó chịu do thận to dần lên gây chèn ép.
+ Đái ra máu do nhiễm khuẩn hay do chảy máu trong nang.
+ Đái đêm, khả năng do cô đặc nước tiểu giảm.
+ Gầy xanh do đái ra máu nhiều hoặc suy thận.
+ Thiểu niệu hay vô niệu khi có suy thận cấp tính hoặc mạn tính. Điều quan trọng là phát hiện sớm để có biện pháp kéo dài đời sống bệnh nhân. Với những gia đình đã có người bị bệnh thận đa nang thì phải khám bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho tất cả các thành viên trong gia đình. Phải khám chuyên khoa thận và cho làm siêu âm, vì siêu âm phát hiện ra nang khi chưa có triệu chứng lâm sàng. Khi đã phát hiện thận đa nang thì cần được khám định kỳ nhằm phát hiện kịp thời các biến chứng như: nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi, tăng huyết áp. Chú ý phát hiện nang gan và nang ở các cơ quan khác (lách, tụy, phổi, buồng trứng).
- Điều trị:
Chủ yếu là điều trị các biến chứng. Việc chọc hút dịch nang hoặc cắt bỏ thận đa nang chỉ là những chỉ định cá biệt. Chống nhiễm khuẩn tiết niệu bằng kháng sinh thích hợp, tốt nhất là theo kháng sinh đồ. Không nên dùng các thuốc độc cho thận: colistin, polymicin, gentamycin, kanamicin, streptomycin, oxacyllin, tetraxyclin, sulphamid, phenylbutasol, pyrocecam...
Khống chế huyết áp dưới 140/90 mmHg bằng các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp, chống mất nước, điều chỉnh rối loạn điện giải khi cần thiết. Phải thận trọng khi dùng thuốc lợi tiểu trong thận đa nang. Nếu đái ra máu đại thể thì phải loại bỏ các nguyên nhân do sỏi thận-tiết niệu và các nguyên nhân khác gây đái ra máu. Khi có suy thận phải có chế độ ăn, sinh hoạt theo chế độ suy thận và điều trị bảo tồn bằng phương pháp nội khoa nói chung. Nếu suy thận giai đoạn cuối thì phải điều trị bằng phương pháp thay thế thận: lọc máu chu kỳ hoặc ghép thận. Bạn nên trao đổi với bác sỹ điều trị để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe của mình.
Chúc bạn mạnh khỏe!