THẮC MẮC

Em bị bướu giác keo 2 bên có sao không?

Bác sĩ cho em hỏi. Em đi khám va xét nghiệm tế bào ung thư ở bệnh viện ung bướu hà nội bác sĩ kết luận em bị bướu giác keo 2 bên. Bên phải là 12×5mm. Bên trái la 21×9mm. Bác sĩ cho em lời khuyên la lam thủ thuật j đó mới nhất hết 38trieu 2 bên. Bác sĩ cho em loi khuyên có nên làm không ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Bướu giáp keo là một trong số những bệnh lành tính của tuyến giáp, còn gọi là bướu cổ nang keo tuyến giáp. Khi mắc bệnh bướu giáp keo, tuyến giáp người bệnh to lên, bên trong chứa dịch keo.
Nguyên nhân gây bệnh bướu giáp keo quan trọng nhất là do thiếu hụt I-ốt. Ngoài ra, có thể do những rối loạn khác trong cơ thể hoặc do bệnh nhân dùng một số thuốc và ăn nhiều các loại thức ăn như sắn, bắp cải, su su,…
Điều trị bệnh bướu giáp keo
Nguyên tắc điều trị:
- Mục đích quan trọng nhất khi điều trị bệnh bướu giáp keo là giảm kích thước của bướu, giữ cho chức năng của tuyến giáp ở trạng thái bình thường.
- Một số người mới mắc bệnh, bướu giáp keo nhỏ, nguyên nhân do thiếu I-ốt thì bệnh có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Chỉ cần thay đổi chế độ ăn bổ sung muối I-ốt, nước mắm I-ốt và tránh ăn các loại rau bắp cải, củ cải, su su.
- Các phương pháp điều trị bướu giáp keo hiện nay là:
+ Bổ sung I-ốt cho người thiếu I-ốt;
+ Sử dụng hormone tuyến giáp;
+ Phẫu thuật tuyến giáp.
- Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào tùy thuộc vào tình trạng bướu giáp, nguyên nhân gây bệnh, thời gian mắc bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Phương pháp bổ sung I-ốt:
- Phương pháp này áp dụng cho những người mắc bướu giáp keo do thiếu I-ốt và chức năng của tuyến giáp còn bình thường.
- Thuốc được dùng là dung dịch Lugol chứa muối của I-ốt.
- Thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên thường kéo dài từ 6 tháng trở lên.
- Đây là một phương pháp đơn giản mà hiệu quả. Các bướu giáp keo mới do thiếu I-ốt sẽ nhỏ lại sau khi dùng thuốc.
- Tuy nhiên, bạn cũng phải đề phòng biến chứng cường giáp do I-ốt khi dùng thuốc này. Bạn nên khám lại theo lịch hẹn hoặc thông báo ngay với bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng khác lạ nào. Bạn cũng không nên tự ý dùng các loại thực phẩm chức năng chứa I-ốt để tránh quá liều thuốc.
Phương pháp sử dụng hormone tuyến giáp:
- Phương pháp này áp dụng cho những người bị bướu giáp keo do thiếu hụt hormone tuyến giáp và cả những người thiếu I-ốt.
- Một số trường hợp chống chỉ định dùng thuốc là: Người bị cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, cường giáp trạng, người bị bệnh lao đang hoạt động, loãng xương.
- Các thuốc được dùng hiện nay là: Thyroxin (Levothyroxine, L-Thyroxine, Levothyrox), Triiodothyronine (Liothyronine). Liều lượng và thời gian dùng thuốc tùy vào từng bệnh nhân.
- Trong thời gian dùng thuốc, bạn sẽ được xét nghiệm máu định kỳ để đo nồng độ các hormone T3, T4, FT3, FT4 và TSH. Điều này giúp theo dõi hiệu quả điều trị và điều chỉnh liều thuốc để tránh nhiễm độc.
- Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc hormone tuyến giáp là: Hồi hộp, tăng tiết mồ hôi, nóng bức, sút cân và loãng xương. Ngoài ra còn có các tác dụng khác hiếm gặp hơn là đau thắt ngực, mất ngủ, tăng cân, dị ứng,…
- Sử dụng hormone tuyến giáp có tác dụng làm tuyến giáp nhỏ lại. Đồng thời thuốc giúp chức năng tuyến giáp bình thường. Sau 8-10 tháng dùng thuốc, bướu giáp có thể nhỏ đi khoảng 40-60%.
Phương pháp phẫu thuật tuyến giáp:
- Trong bệnh bướu giáp keo, tuyến giáp to lên do phải hoạt động nhiều hơn bình thường. Mục đích để "bù" lại sự thiếu hụt I-ốt hoặc thiếu hormone. Do đó, phẫu thuật có thể ảnh hưởng tới chức năng tuyến giáp. Trường hợp này nên hạn chế tối đa phẫu thuật.
- Tuy nhiên trong những trường hợp sau, có thể được chỉ định phẫu thuật:
+ Người bệnh bị nuốt nghẹn, khó thở, nói khàn do bướu giáp chèn ép.
+ Bướu giáp keo lâu năm dễ bị ung thư hoặc nghi ngờ ung thư, bướu giáp chảy máu.
+ Bướu giáp to gây mất thẩm mỹ, người bệnh có nguyện vọng phẫu thuật.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bướu giáp keo hiệu quả. Vì vậy, nếu bạn bị bướu giáp keo, không nên quá lo lắng. Tốt nhất bạn nên khám chuyên khoa nội tiết bệnh viện trung ương uy tín hoặc khám trực tiếp tại bệnh viện nội tiết để được tư vấn các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, đỡ tốn kém.
Chúc bạn sức khỏe!