THẮC MẮC

Em bị tai nạn cách đây 5 năm đến giờ tay chân em vẫn còn ảnh hưởng do bị dập não, phải làm sao?

Cho hỏi em năm nay 23 tuổi mà bị tai nạn cách đây 5 năm đến giờ tay chân em vẫn còn ảnh hưởng do bị dập não. Đã vậy rồi khứu giác của em cũng vì đó mà mất hẳn luôn Cho em hỏi em còn % nào lấy lại được khứu giác bình thường không ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Khứu giác tuỳ thuộc vào các thụ thể thần kinh (receptor) nằm trong một lớp biểu bì thần kinh khứu giác (olfactory neuroepithelium), lót phần trên nóc của xoang mũi. Phần chính do thần kinh sọ số một (cranial nerve I) phụ trách cảm nhận và phân biệt các mùi như mùi hoa hồng, mùi chanh, mùi hoa lài. Những đầu dây thần kinh số V (cranial nerve V) đồng thời có vai trò mô tả những sắc thái của mùi: như mùi lạnh (coolness), mùi nồng, ấm áp (warmth), mùi khó chịu, mùi chua ; ví dụ mùi ammonia ("nước đái quỷ") được cảm nhận qua dây thần kinh số V.
Các chất gây ra mùi (odorant) được hai dây thần kinh I và V đem vào các trung tâm khứu giác liên hệ của bộ não. Những chất có mùi từ ngoài vào cần những đều kiện tốt mới đi đến kích thích các thụ thể khứu giác trên trần của mũi: mũi phải thông, các niêm mạc mũi phải mạnh khoẻ, đủ độ ẩm để các chất có mùi tan vào trong niêm mạc và ngấm vào các thụ thể khứu giác.
Bất cứ nguyên nhân nào cản trở đường tiếp cận trên cũng như đường truyền dẫn thần kinh từ mũi đến các trung tâm thần kinh phụ trách khứu giác (olfactory centers) trên não bộ đều ảnh hưởng đến khứu giác: bệnh mũi, bệnh xoang hai bên mũi (paranasal sinuses), bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, chấn thương, gãy xương mũi, gãy xương trán (frontal fracture), bể xương chẫm (occipital fracture). Hút thuốc lá, tuổi già, một số thuốc chữa bệnh, chất độc kỹ nghệ cũng có thể ảnh hưởng đến khứu giác. Các kháng sinh như ampicillin, tetracycline, azithromycin đều có thể thay đổi khứu giác.
Mất hoặc giảm khả năng ngửi mùi thường xảy ra sau khi bị chấn thương đầu, và chấn thương càng nặng (nhất là phía trước trán và phía sau vùng chẩm (occipital), thì bệnh càng nặng (post traumatic olfactory loss). Chấn thương có thể làm đứt đoạn các sợi của dây thần kinh khứu giác (TK số I), làm bít đường đi của các sợi này từ trên sàn sọ đi xuống mũi (cribriform plate), hoặc làm tổn thương thuỳ trán của não, nơi phụ trách cơ năng ngửi.
Các sợi dây thần kinh TK I có thể mọc lại một thời gian sau, cũng như não bộ bị tổn thương có thể phục hồi được.Thường người bệnh có thể tìm lại được khả năng giác sau vài ba tháng, ở mức trung bình 10%. Sau hai ba năm, ít khi phục hồi được. Tuy nhiên vẫn còn hy vọng. Có trường hợp được công bố, một người đàn ông bị tai nạn xe hơi với chấn thương đầu rất nặng, mất khứu giác và vị giác hoàn toàn. Đến 9 năm sau thì người bệnh phục hồi được khứu giác và vị giác gần như hoàn toàn (1).Trong lúc mất khứu giác và vị giác, người bệnh nên nhớ mình có thể bị nguy hiểm: không ngửi được mùi cháy (cháy nhà, cháy bếp), ăn đồ ăn thúi, độc mà không biết, hoặc ăn quá mặn, quá ngọt..và phài rất cẩn thận, kiểm soát kỹ môi trường sống, nhờ người khác canh chừng, v..v..
Chúc bạn sức khỏe!