THẮC MẮC

Em có triệu chứng cứ thiếu ngủ là bị đau đầu

Em tên Hường. Năm nay 19 tuổi, đang là sinh viên ạ. Em có triệu chứng cứ thiếu ngủ là bị đau đầu. Dù có bị mất ngủ (muốn ngủ nhưng không thể ngủ được kèm theo đau đầu và nước mắt chảy) hoặc là sáng dậy là em luôn luôn đi đâu đầu. Triệu chứng xuất hiện cách đây 3 năm nhưng càng ngày em càng thấy đau rõ rệt và xuất hiện thường xuyên hơn (gần như ngày nào cũng bị khi đi ngủ và ngủ dậy). Hơn thế nữa em còn có cảm giác đau cứng 1 bên đầu và cảm thấy nóng ran người. 1 tuần em bị khoảng 1-2 lần nhưng rất lâu và đau. Triệu chứng tự nhiên xuất hiện nhất là lúc chiều và tối. Em mong bác sĩ giúp em với ạ.

Tư vấn

Chào em!
Em có bị đau đầu thành cơn không, trong cơn đau có thấy mạch đập ở thái dương hoặc kèm theo các triệu chứng chóng mặt, nôn, buồn nôn không, mất ngủ là một trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu.
Đau đầu là triệu chứng của nhiều nguyên nhân.
Thông thường đau đầu được chia ra làm hai loại: đau đầu nguyên phát là đau nhưng không kèm các triệu chứng quan trọng của một chứng bệnh gì liên quan; đau đầu thứ phát: đau đầu là triệu chứng của một bệnh nào đó, đau do một bệnh cụ thể gây ra.
1.Đau đầu nguyên phát bao gồm:
- Đau đầu do căng thẳng: loại thường gặp nhất, khoảng 90% số người trưởng thành có loại nhức đầu này, nhất là ở phụ nữ.
- Cơn đau nửa đầu migraine: thường gặp thứ hai sau đau đầu do căng thẳng. Trước tuổi dậy thì, tỉ lệ nam và nữ bị chứng đau đầu này như nhau, nhưng qua giai đoạn này thì ưu thế nghiêng về nữ nhiều hơn (ở nam giới là 6%, nữ giới 18%). Chứng đau nửa đầu nguyên nhân thường liên quan tới sự giãn của các mạch máu trong sọ và các hóa chất trung gian được tiết ra từ các sợi thần kinh nằm quanh đó. Người ta thấy rằng khi cơn đau xuất hiện, động mạch thái dương thường giãn rộng (động mạch thái dương là một nhánh động mạch nằm ngoài hộp sọ, ngay bên dưới da vùng thái dương). Khi động mạch này giãn nở, nó làm căng các sợi thần kinh nằm gần đó, các sợi thần kinh khi bị căng thì tiết ra các hóa chất có khả năng gây đau, viêm, và làm mạch máu thêm dãn nở, càng làm cơn đau nặng thêm.
- Đau đầu từng đợt (đau đầu histamine, đau đầu Horton): một chứng đau đầu nguyên phát ít gặp nhất, chiếm khoảng 0,1% dân số. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới (chiếm 85%). Tuổi trung bình bị bệnh 28 - 30 tuổi, bất kể bệnh có thể xuất hiện từ khi tuổi còn nhỏ.
2. Đau đầu thứ phát:
- Loại này bao gồm như viêm xoang, cao huyết áp cũng là nguyên nhân gây đau đầu thứ phát. Có rất nhiều nguyên nhân, từ nặng như: u não, chấn thương sọ não, viêm màng não, xuất huyết dưới màng nhện, đến mức độ nhẹ hơn (và thường gặp hơn): đau đầu do ngưng uống cà phê, đau đầu do cao huyết áp, viêm xoang, viêm xoang, viêm tai, viêm nướu răng.
- Ngoài ra còn có các nguyên nhân: giảm hoạt động của tuyến giáp vì tuyến giáp không sản xuất đủ hoóc-môn giáp như bình thường; ngộ độc carbon monoxide (CO) thường xuyên. Bệnh Parkinson; do thuốc như: indomethacin, estrogen, progestin, thuốc ức chế kênh calcium (thường dùng điều trị tăng huyết áp), các thuốc ức chế việc tái hấp thu seretonin chọn lọc (thuốc điều trị trầm cảm). Lạm dụng thuốc giảm đau cụ thể dùng quá liều thuốc giảm đau có thể tạo nên tình trạng “kháng thuốc”, mất tác dụng của thuốc, cơn đau đầu không khống chế được nữa. Thiếu máu cơ tim (thường do bệnh lý mạch vành): thiếu máu cơ tim ngoài gây đau thắt ngực còn có thể gây đau đầu. Các nguyên nhân của đau đầu thứ phát còn có ung thư não, kể cả u nguyên phát ở não lẫn u di căn từ nơi khác đến như từ vú, từ phổi; máu tụ dưới màng cứng (màng cứng là một lớp màng bao bọc não bộ) sau khi chảy từ các tĩnh mạch não bị vỡ.
- Cơn tăng huyết áp ác tính cũng gây đau đầu (những cơn tăng huyết áp nhẹ hay trung bình thường không gây đau đầu). Viêm động mạch thái dương thường xảy ra nguyên phát ở bệnh nhân cao tuổi, có thể kèm theo mệt mỏi, đau nhức người, thiếu máu. Nếu không được điều trị đặc hiệu, viêm động mạch thái dương có thể làm bệnh nhân mù hay đột quỵ. Đau đầu do tăng nhãn áp (tăng áp suất cao bất thường trong mắt)…
Tình trạng đau đầu này của em đã kéo dài 3 năm, em nên đi khám chuyên khoa thần kinh để bác sĩ thăm khám trực tiếp kết hợp với các cận lâm sàng tìm nguyên nhân và có hướng điều trị hiệu quả.
Chúc em sức khỏe!