THẮC MẮC

Hôi miệng do bị viêm hang vị và HP dạ dày chữa thế nào?

Chào bác sĩ. Em năm nay 22 tuổi. Em đã bị hôi miệng từ năm 16 tuổi. Em đã khám nha khoa, chụp Xquang hàm và cả khám tai mũi họng nhưng không tìm ra nguyên nhân. Tất cả đều bình thường. Em có đi nội soi dạ dày thì nói em bị viêm hang vị và HP dạ dày. Tuy nhiên sau khi chữa xong thì vẫn bị hôi miệng. Mùi hôi xuất hiện mọi lúc, đánh răng vệ sinh kỹ như thế nào vẫn bị. Người đứng cách xa 2 m vẫn lấy tay bịt mũi. Em cảm thấy rất buồn và tự ti. Không dám nói chuyện. Luôn im lặng. Em đã đi rất nhiều bệnh viện. Gần đây nhất là kê đơn trào ngược thực quản. Nhưng em không có dấu hiệu trào ngược như ợ hơi, đau tức ngực như em đọc trên mạng. Em đã đến nhiều nơi nhưng không khỏi. Mong bác sĩ tư vấn. Cách nào dù tốn đến đâu em cũng sẽ chữa.

Tư vấn

Chào bạn!
Có nhiều nguyên nhân gây hôi miệng:
- Do vệ sinh răng miệng kém: Các mẩu thức ăn còn sót lại trong miệng nếu không được vệ sinh kỹ tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn hoạt động mạnh, tạo mảng bám quanh chân răng (cao răng), gây viêm răng lợi và nảy sinh chất gây hôi như hydrogen sulfide góp phần làm hơi thở có mùi. Nhiễm trùng ở răng lợi; răng sâu có lỗ hổng thuận tiện cho vi khuẩn trú ẩn, tăng sinh; lưỡi bị viêm là nơi mà mảnh vụn thực phẩm dễ dính lại, là môi trường tốt cho vi khuẩn phân hủy protein tạo ra mùi hôi.
- Khô miệng: Nước bọt có vai trò làm sạch khoang miệng, chứa một số kháng thể giúp giảm thiểu lượng vi khuẩn. Tình trạng khô miệng xảy ra khi lưu lượng nước bọt giảm có thể do dùng thuốc, tuyến nước bọt có vấn đề hay thở bằng đường miệng. Nếu lượng nước bọt tiết ra quá ít sẽ gây hôi miệng mỗi buổi sáng khi thức dậy.
- Thức ăn: Những mẩu thức ăn dính vào răng, rượu và cà phê là nguyên nhân gây nên hôi miệng tạm thời. Bên cạnh đó, thức ăn nặng mùi như sầu riêng, hành tây, tỏi và các loại gia vị cũng dẫn đến tình trạng hôi miệng. Sau khi được tiêu hóa, tinh dầu của những thực phẩm này sẽ thấm vào máu, thải trừ qua phổi, khiến hơi thở có mùi.
- Hút thuốc gây khô miệng, làm viêm nhiễm khoang miệng và hơi thở có mùi không dễ chịu cho lắm.
- Bệnh lý: Một số bệnh lý cũng gây nên tình trạng hơi thở hôi như nhiễm khuẩn đường hô hấp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, suy gan/thận hay trào ngược dạ dày thực quản, viêm xoang...
- Chế độ ăn kiêng và ăn chay để giảm cân sẽ làm sản sinh xeton - một chất có mùi tương tự như nước rửa móng tay. Xeton có thể thoát ra ngoài qua nước bọt, làm khô miệng nên sẽ gây nên hơi thở hôi.
Để điều trị hôi miệng, trước hết phải tìm được nguyên nhân, sau đó sẽ giải quyết:
- Nguyên nhân thông thường nhất của hôi miệng là từ miệng. Cần để ý nhiều đến vấn đề vệ sinh răng miệng. Đánh răng sau khi ăn. Dùng chỉ tơ nha khoa để làm sạch khe răng. Nên khám nha sĩ khám xem có bị sâu răng, viêm lợi hay không. Lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần. Giữ miệng ẩm bằng cách lâu lâu uống một chút nước. Nếu lưỡi đóng bựa thì cạo cho hết để vi khuẩn khỏi tá túc, nhưng cẩn thận đừng để lưỡi bị thương tích. Nếu mang răng giả thì lấy ra ban đêm, rửa sạch sẽ và ngâm trong dung dịch nước sát trùng qua đêm.
- Tránh các thực phẩm có thể gây mùi hôi ở miệng.
- Ăn nhiều trái cây và rau; giới hạn thịt và chất béo, pho mát có mùi mạnh.
- Tránh uống quá nhiều rượu, thuốc lá, uống cà phê, tỏi…
- Có thể dùng các sản phẩm làm thơm miệng như dầu peppermint hoặc wintergreen chỉ có tác dụng che đậy, làm bớt hôi miệng trong thời gian vài ba chục phút sau khi dùng, chứ không trị dứt được hôi miệng. Nước súc miệng nên dùng vào buổi tối là thời gian mà vi khuẩn hoạt động mạnh. Thuốc súc miệng có hóa chất chlohexidine gluconate (Peridex, Perio-Gard) hoặc hóa chất cetylpyridinium chloride, benzethonium chloride, sodium bicarbonade, zinc chloride đều rất tốt.
- Đối với các trường hợp bệnh lý cần đến bác sĩ khám và điều trị dứt điểm các bệnh lí đó sẽ giải quyết được tình trạng hôi miệng.
Chúc bạn sức khỏe!