THẮC MẮC

Kết quả xét nghiệm nước tiểu như vậy là mắc bệnh thận hư hay tiểu đường?

Chào bác sĩ. Em năm nay 26 tuổi là nữ giới dạo gần đây em có đi xét nghiệm nước tiểu thì protein của em là 30mg/dl, Glucose niệu là NEGATIVE, cetonic niệu là Trace, Bilirubin là Small như vậy là em bị mắc bệnh thận hư hay tiểu đường ạ?

Tư vấn

Chào bạn!
Tư vấn cho bạn về 10 thông số của xét nghiệm nước tiểu và ý nghĩa của các thông số này để bạn hiểu và đối chiếu với kết quả xét nghiệm của mình nhé:
1. Độ pH của nước tiểu
Nước tiểu bình thường ở người khỏe mạnh có tính axit nhẹ với độ pH nằm trong khoảng từ 4,8 - 8,5. Độ pH trung bình thường gặp là 5,8. Nếu độ pH = 4 nghĩa là nước tiểu đang có tính axit mạnh, pH = 9 nghĩa là nước tiểu có tính bazơ.
Độ axit của nước tiểu cao hay thấp là do mật độ các axit tự do có trong nước tiểu. Trong đó, thận có vai trò cân bằng lượng axit và bazơ. Vì thế thông qua độ pH ta có thể kiểm tra chức năng thận, chẩn đoán các bệnh về thận. Ví dụ:
Độ pH=9 hoặc pH>9 có thể mắc bệnh viêm bàng quang, viêm bể thận
Độ pH thấp, nước tiểu có tính axit cao có thể mắc bệnh đái tháo đường...
Ngoài ra, các bệnh dạ dày cũng có thể phát hiện thông qua độ pH của nước tiểu.
2. Bạch cầu
Chỉ số của tế bào bạch cầu có trong nước tiểu bình thường ở người trưởng thành khỏe mạnh là từ 10 - 25 Leu/UL. Nếu chỉ số bạch cầu tăng, kèm theo triệu chứng tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần thì có thể bạn đã mắc bệnh viêm đường tiết niệu do nhiễm nấm hoặc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng bàng quang...
3. Nitrit
Thông thường trong nước tiểu không có nitrit, hoặc nếu có cũng ở mức rất thấp. Chỉ số nitrit cho phép trong nước tiểu là 0.05-0.1 mg/dL. Nitrit hình thành do vi khuẩn chuyển hóa từ nitrat. Sự xuất hiện của nitrit đồng nghĩa với việc vi khuẩn có thể đang tấn công cơ thể, đặc biệt là các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong đó loại thường gặp nhất là nhiễm trùng E. Coli.
Có thể kiểm tra nitrit trong nước tiểu bằng cách sử dụng que thử. Nếu que thử lên màu hồng hoặc hồng nhạt nghĩa là nước tiểu đã chứa nitrit và vi khuẩn.
4. Protein
Chỉ số protein cho phép trong nước tiểu là trace (không sao); 7,5-20mg/dL hoặc 0,075-0,2 g/L. Để xét nghiệm chỉ số protein chính xác cần sử dụng nước tiểu vào buổi sáng, lần đi tiểu đầu tiên sau khi ngủ dậy. Thông qua chỉ số protein có thể phát hiện các bệnh lý ở thận, có máu trong nước tiểu hay nước tiểu có bị nhiễm trùng không.
5. Glucose
Nước tiểu bình thường không chứa glucose hoặc nếu có thì hàm lượng rất ít. Chỉ số cho phép của glucose là 50-100 mg/dL hoặc 2.5-5 mmol/L. Nếu xét nghiệm phát hiện nước tiểu có hoặc có nhiều glucose thì khả năng bạn đã mắc các bệnh tiểu đường, viêm tụy cấp, các bệnh lý về thận.
6. Cetonic (KET_Ketones)
Cetonic hình thành do sự chuyển hóa của axit béo hoặc tiểu đường không kiểm soát. Nước tiểu bình thường của người khỏe mạnh không có cetonic hoặc có rất ít. Chỉ số cho phép: 2.5-5 mg/dL hoặc 0.25-0.5 mmol/L.
Nếu chỉ số cetonic tăng đồng nghĩa với việc quá trình chuyển hóa glucose đang gặp vấn đề. Hoặc cũng có thể là do nhịn đói lâu ngày hoặc phản ứng phụ của một vài loại thuốc.
7. Urobilinogen
Chỉ số cho phép của urobilinogen trong nước tiểu là 0,2-1,0 mg/dL hoặc 3,5-17 mmol/L. Nếu xét nghiệm nước tiểu cho thấy lượng urobilinogen tăng lên thì có thể mắc các bệnh lý về gan, túi mật như xơ gan, viêm gan, tắc nghẽn mật...
8. Bilirubin
Chỉ số cho phép của bilirubin trong nước tiểu: 0.4-0.8 mg/dL hoặc 6.8-13.6 mmol/L. Thông thường Bilirubin sẽ thải qua đường phân, trong nước tiểu không có Bilirubin hoặc nếu có thì rất ít. Lượng Bilirubin trong nước tiểu tăng là lời cảnh báo về các bệnh lý ở gan và túi mật.
9. Hồng cầu
Chỉ số cho phép của hồng cầu trong nước tiểu là 0.015-0.062 mg/dL hoặc 5-10 Ery/ UL. Nếu xét nghiệm nước tiểu phát hiện trong nước tiểu có lượng hồng cầu cao thì bạn có thể đã mắc các bệnh về thận hoặc hệ tiết niệu, như nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận, bướu thận, xuất huyết bàng quang...
10. Acid ascorbic
Acid ascorbic là một loại vitamin cần thiết của cơ thể, hỗ trợ hoạt động xương khớp, mạch máu và tăng sức đề kháng. Nếu trong nước tiểu lượng Acid ascorbic quá chỉ số cho phép 5-10 mg/dL hoặc 0,28-0,56 mmol/L thì có thể xác định các bệnh lý về chức năng thận.
Bạn cần đi khám lại chuyên khoa tiết niệu để xác định nguyên nhân tăng protein máu và có hướng điều trị phù hợp nhé.
Chúc bạn sức khỏe!