THẮC MẮC

Khoảng hơn 1 năm nay con bị đau từ lưng xuống chân là bệnh gì?

Chào bác sĩ, con năm nay 22 tuổi, nữ. Khoảng hơn 1 năm nay con bị đau từ lưng xuống chân, đi bệnh viện bác sĩ bão bị thoát vị đĩa đệm L5, con có uống thuốc tây nhưng không thấy giảm đau, sau đó có có trị bên đông y, châm cứu thời gian khoảng hơn 3 tháng thì thấy lưng đã đỡ đau hơn trước nhưng từ mông xuống chân vẫn còn đau âm ỉ và không thấy giảm đau nữa, nhất là vào buổi sáng và sau mỗi lần ngủ dậy. Với lại con còn bị đau vùng bẹn, khi ngồi xuống đứng lên hay hắt hơi đều thấy đau tăng lên, con không thể gập người xuống khi đứng và không thể duổi thẳng 2 chân trong tư thế ngồi, vì khi làm những động tác đó là con lại đau từ mông, bẹn, bắp chân đến ngón chân út. Mong bác sĩ tư vấn giúp con ạ. Con cảm ơn.

Tư vấn

Chào bạn!
Nhờ tính chất đàn hồi nên đĩa đệm làm nhiệm vụ như một bộ phận giảm sóc, giúp cho cột sống thực hiện chức năng vận động của mình (cúi, ngửa, nghiêng...) một cách mềm dẻo.
Khi vòng sợi bao quanh bị rách, nhân nhầy thoát ra ngoài khỏi vị trí giữa hai đốt sống, thường là về phía sau gây chèn ép tủy sống hoặc các rễ thần kinh. Hiện tượng đó gọi là thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm ở vùng cột sống thắt lưng là phổ biến nhất, gây đau thắt lưng cấp hay mãn tính, đau thần kinh tọa một hay cả hai bên, đau thần kinh đùi bì. Tùy theo tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, lao động và sinh hoạt của người bệnh mà cân nhắc tới các biện pháp điều trị bảo tồn và điều trị can thiệp phẫu thuật.
Trường hợp của bạn, ngoài việc dùng thuốc của bác sĩ đã kê, có thể nghỉ ngơi; vật lý trị liệu xoa bóp, tắm suối khoáng, đắp bùn; chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân, đắp dầu paraphin... và có thể dùng các biện pháp như tác động cột sống, kéo giãn cột sống trong điều trị bệnh.
Nhưng bạn cũng lưu ý dùng thuốc chống viêm giảm đau có thể ảnh hưởng đến dạ dày, chức năng gan…; bạn không nên dùng đệm mềm, giữ gìn tư thế cột sống đúng trong lao động, học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày; tránh cúi người khiêng vác vật nặng; tránh mọi chấn thương cho cột sống.
Bạn cần rèn luyện để có được cơ thể khỏe mạnh và đặc biệt là một cột sống vững chắc, bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý của mình. Nếu tình trạng đau không thuyên giảm phải tái khám kiểm tra chụp lại phim đánh giá tiến triển bệnh để có hướng can thiệp kịp thời.
Chúc bạn sức khỏe!