THẮC MẮC

Làm sao để hết hôi miệng?

Thua bác sĩ. Cháu bị mùi hôi từ mũi và miệng có mùi rất nặng. Ai cũng xa lánh cháu khi đến gần. Mặc dù cháu có bị trào ngược dạ dày với viêm dạ day. Nhưng uống thuốc mấy tháng nay mà không thấy đỡ hôi. Mũi cháu thì ngày nào cháu cũng bị hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, dịch trong. Còn răng miệng cháu đã đi khám nha khoa không có vấn đề gì. Vậy không biết nguyên nhân do đâu mà cháu bị nặng mùi nhu vây? Thưa bác sĩ. Nếu có thể cháu nên đi khám khoa nào? Ở đâu ạ? Cầu cứu bác sĩ.

Tư vấn

Chào bạn!
Hôi miệng do rất nhiều nguyên nhân gây nên, có thể có nguyên nhân tại miệng như viêm mũi họng, viêm Amidan, viêm lợi, sâu răng, do vệ sinh răng miệng không sạch sẽ.. Ngoài ra hôi miệng (hơi thở hôi) còn do các nguyên nhân khác ở dạ dày như trào ngược dạ dày thực quản, cơ thắt giữa dạ dày thực quản bị giãn rộng làm thức ăn lên men trong dạ dày đẩy ngược ra qua thực quản lên miệng gây nên hơi thở hôi. Hôi miệng là chứng bệnh làm ảnh hưởng không nhỏ trong sinh hoạt, giao tiếp, học tập và công tác.
Điều trị hôi miệng:
- Chú ý giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng ngay sau khi ăn. Khám và điều trị dứt điểm các bệnh viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên, điều trị các bệnh của khoang miệng như sâu răng, viêm lợi, thuốc điều trị chủ yếu là kháng sinh, chống viêm.
- Điều trị các bệnh dạ dày, điều trị chứng trào ngược dịch vị dạ dày thực quản (biểu hiện bởi các triệu chứng nóng rát sau xương ức, có triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đau bụng vùng thượng vị..). Các thuốc sử dụng điều trị bao gồm thuốc kháng sinh (nếu như soi dạ dày và làm xét nghiệm thấy có vi khuẩn Helicobacter pylori), thuốc giảm tiết a xít và một số thuốc khác. Ngày nay, thuốc giảm tiết a xít được ưu tiên sử dụng là thuốc giảm tiết a xít do ức chế bơm Proton, có nhiều hoạt chất và thế hệ khác nhau như: Omeprazol, Pantoprazol, Lanzoprazol... Các thuốc này chỉ nên sử dụng sau khi đã khám và loại trừ các bệnh ác tính của đường tiêu hóa vì thuốc làm giảm và che dấu các triệu chứng của bệnh ác tính. Bên cạnh biện pháp dùng thuốc bạn cần lưu ý đến chế độ ăn uống sinh hoạt của người mắc bệnh dạ dày tá tràng. Ngoài ra chú ý một số yếu tố dễ làm trào ngược dạ dày thực quản như ăn quá no, ăn xong nằm ngay, cơ thể quá béo...
Chúc bạn sức khỏe!