THẮC MẮC

Lâu lâu trên da em nổi những đóm đỏ ngoài da gần như toàn thân có vị trí ít có vị trí nhiều dể thấy nhất là trước bụng là bị sao?

Lâu lâu trên da em nổi những đóm đỏ ngoài da gần như toàn thân có vị trí ít có vị trí nhiều dể thấy nhất là trước bụng - những chổ nhiều hơi nóng đặc biệt trong lòng 2 bàn tay có cảm giác ngứa và nóng - sau khi nổi không làm gì cả vài tiếng sau tự nó hết - em có chụp hình thực tế để minh họa trong link dưới https://sv1. uphinhnhanh. Com/images/2018/08/19/IMAG0011. jpg

Tư vấn

Chào bạn!
Rất tiếc tôi không xem được hình của bạn gửi, tuy nhiên nếu những đốm như bạn gọi ở dạng ban sẩn, kích thước lớn nhỏ không đều nhau,ngứa thì có thể bạn bị mày đay. Bệnh mày đay được xem là một phản ứng viêm da, dị ứng ngoài da, hay xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa hoặc mùa hè do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ngứa, khó chịu cho người bệnh, khiến bệnh nhân mệt mỏi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và khả năng lao động, làm việc.
Bệnh mày đay thường do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nó có thể là một nguyên nhân đơn lẻ hoặc tổng hợp của một số nguyên nhân, bạn nên đi khám bác sỹ da liễu, hoặc bác sỹ chuyên khoa dị ứng ở bệnh viện trung ương để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp. Bạn có thể tham khảo nguyên nhân của bệnh mày đay, cách phòng bệnh dưới đây.
Bệnh mày đay là một dạng dị ứng ngoài da do nhiều nguyên nhân khác nhau từ bên trong lẫn bên ngoài, bao gồm:
- Do di truyền, chủ yếu là do chứng dị ứng với thời tiết, chính vì vậy nếu gia đình cháu có người mắc bệnh mày đay thì đó có thể là nguyên nhân khiến cháu mắc phải căn bệnh này.
- Do cơ thể có sức đề kháng yếu, khó chống lại các tác nhân gây bệnh mày đay trong sinh hoạt và tiếp xúc hàng ngày.
- Do thói quen uống ít nước mỗi ngày khiến da khô, các chất độc trong cơ thể không được lọc thông qua hệ thống bài tiết khiến bệnh mày đay có điều kiện xuất hiện.
- Do cơ thể dị ứng với thức ăn, thực phẩm: Là nguyên nhân thường gặp nhất, phổ biến nhất, bao gồm: tôm, cua, sò, nghêu, ghẹ, cá biển, thịt bò, trứng, các loại mắm, tương, chao, rượu, bia, đồ uống có cồn, … thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản, chất tạo màu khác, thức ăn cay nóng.
- Do dị ứng với một số thuốc gây nổi mày đay: Đó có thể là thuốc uống, thuốc bôi ngoài da bao gồm: Pennicillin (đây là thuốc dễ gây ra bệnh mày đay nhất nếu cơ thể bị dị ứng), Aspirin, thuốc hạ nhiệt, các chất cản quang có chứa iod (trong chụp khi X – quang), thuốc điều trị cao huyết áp, suy tim, xương khớp, thuốc gây mê, thuốc ngủ, huyết thanh, một số loại vắc-xin, thuốc ngừa thai… Bệnh mày đay có thể xuất hiện ngay sau lần đầu dùng thuốc hoặc cách đó từ 5 - 10 ngày.
- Do nọc độc của một số loại động vật: Ong, kiến, sâu bọ, muỗi, rệp…
- Do dị ứng với rơm rạ, phấn hoa, bụi nhà, lông vũ, men mốc, lông động vật…
- Do sự tác động của yếu tố tâm lý: căng thẳng, lo âu, stress, xúc động, gắng sức, áp lực cũng là nguyên nhân làm xuất hiện bệnh mày đay.
- Do sự tác động của yếu tố thời tiết, khí hậu: bệnh thường xuất hiện khi thời tiết giao mùa, quá nóng hay quá lạnh, độ ẩm không khí cao, gió lạnh;
- Do virus, vi khuẩn tồn tại trong cơ thể: Những bệnh nhân mắc bệnh viêm gan virus B, C, hoặc bị nhiễm khuẩn ở các cơ quan trong cơ thể (tai, mũi, họng, hệ tiêu hóa, răng miệng, viêm xoang…) thường có nguy cơ mắc bệnh mày đay rất cao.
- Do các loại ký sinh trùng trong cơ thể: nhiễm giun kim, giun đũa, giun lươn, giun chỉ, sán… gây xuất hiện mày đay và thường tái phát nhiều lần.
- Do bệnh nhân mắc phải một số căn bệnh ác tính: bệnh mày đay có thể hình thành do một số căn bệnh ác tính như ung thư, cường giáp trạng, Luput ban đỏ…
- Do cơ thể bị chấn thương, cọ xát cũng là nguyên nhân gây nên bệnh mày đay khó chịu này.
Trong các đợt nổi mày đay, thuốc uống chống dị ứng bán tại các quầy thuốc có thể sử dụng để làm giảm triệu chứng. Thuốc này phải được uống nhiều tuần sau khi nổi mẩn tan biến.
- Tránh một số thức ăn, một số thuốc có thể gây dị ứng. Tránh các chất kích thích như: gia vị, rượu, trà, cà phê...
Trong cơn cấp nên ăn nhẹ, giảm muối.
- Trường hợp gây ngứa, khó chịu nhiều, có thể dùng giấm thanh pha trong nước ấm (1 phần giấm 2 phần nước) để thoa hay tắm.
Chúc bạn sớm khỏi bệnh!