THẮC MẮC

Lo lắng về thính giác của bé có sao không?

Hai vợ chồng em vừa được bé đầu lòng 3 tháng. Lúc mới sinh và đến những ngày gần đây cháu vẫn phản xạ tiếng ồn bình thường. Cho tới mấy ngày trở lại đây vợ chồng em thấy phản xạ với tiếng ồn của bé kém đi. Hai vợ chồng thay nhau gọi bé nói chuyện thì thấy bé không phản xạ với tiếng gọi. Nhưng khi quay vào cho bé thấy mặt và nói chuyện với bé thì thấy bé vẫn u ơ cười nói chuyện với vợ chồng em. Em rất lo lắng về thính giác của bé vì là con đầu lòng. Rất mong được các bác sĩ tư vấn và giải thích khúc mắc cho vợ chồng em. em xin cảm ơn!

Tư vấn

Chào bạn!
Khi 3 - 4 tháng tuổi, cổ của bé đã cứng cáp, bé có thể ngóc đầu lên được, thì khi có âm thanh ở hướng nào bé quay đầu theo hướng đó để tìm. 7 – 8 tháng tuổi, bé bắt đầu ê, a. Đó là những âm tự nhiên phát ra của thanh quản mà trẻ nào cũng có, dù là trẻ nghe bình thường hay trẻ khiếm thính. Khi nghe, bé phát ra những âm 'a…a…a' đầu tiên, ba mẹ và ông bà rất mừng vì nghĩ rằng bé đã biết gọi ba, gọi bà . Và mình hay khuyến khích bé lặp lại như: gọi ba đi con, gọi bà đi con, ba nè, bà nè… Những từ này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Đối với trẻ có thính giác bình thường, bé sẽ chỉnh từ những âm 'a…a…a' đó thành 'ba, bà, măm măm…' Và như vậy, những từ đầu tiên của bé đã hình thành.
Lúc đầu bé nói 1 từ, rồi đến 2 từ, sau đó bé biết nói câu ngắn 3, 4 từ… Cứ như vậy, tiếng nói và ngôn ngữ của bé ngày một phát triển.
Những bé bị khiếm thính từ trong bụng mẹ (hay còn gọi là điếc bẩm sinh) thì sau khi phát những âm 'a…a…a' đó, bé không nghe nên không chỉnh được thành âm: ba, bà… Chính vì vậy, nhiều cha mẹ hay nhầm và đến nói với bác sĩ: con tôi biết nói, sau đó lại không nói nữa.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh khiếm thính nặng và sâu trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay khoảng 0,1 - 0,2%, trong khi trẻ khiếm thính nhẹ và vừa là 0,3 - 0,4%. Nghĩa là, cứ 1.000 trẻ sinh ra có khoảng 4 - 5 trẻ khiếm thính, trong đó khiếm thính nặng và sâu là 1 – 2 em. Có rất nhiều nguyên nhân có thể sinh ra một trẻ khiếm thính như: mẹ bệnh trong thời gian mang thai, vợ chồng đồng huyết thống, ngộ độc thuốc… Có khoảng 15% là do di truyền và 30% không rõ nguyên nhân.
Trẻ không nghe được nếu không phát hiện và can thiệp sớm sẽ không nói được mà dân gian hay gọi là điếc câm, thực chất bộ phận phát âm hoàn toàn bình thường. Trẻ không nghe nói được sẽ không giao tiếp được, ngôn ngữ và trí tuệ không phát triển, tính tình thay đổi… ảnh hưởng rất nhiều đến suốt cuộc sống của bé. Vì vậy, ngày nay trên thế giới, nhiều nước đã thực hiện chương trình tầm soát khiếm thính trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tuổi. Để an tâm bạn nên cho con đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác và tư vấn nhé.
Chúc bé sức khỏe!