THẮC MẮC

Năm nay cháu 18 tuổi không hiểu tại sao lại bị đau xương cụt là bị sao?

Năm nay cháu 18 tuổi không hiểu tại sao lại bị đau xương cụt. Cháu tưởng là chỉ do ngồi nhiều và sau 1 khoảng thời gian hoạt đông sẽ khỏi nhưng rồi nó lại sưng lên theo kiểu dùn xuống vài 1 bên mông. Liệu cháu có nên đi khám x quang vì vấn đề có thể liên quan đến xương khớp không hay bệnh có thể điều trị tại gia bằng việc hoạt động.

Tư vấn

Chào bạn!
Xương cụt là phần cuối cùng của xương sống, được cấu tạo bởi 5 đốt sống tạo thành hình tam giác nối với xương hông. Đau xương cụt là đau xuất hiện ở xương cụt hoặc ở vùng cơ sát với xương cụt. Đau xương cụt không phải là bệnh quá nghiêm trọng, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đây là căn bệnh đặc trưng của nữ giới vì xương cùng của nữ ngắn và rộng hơn so với nam giới. Khả năng giãn nở của các cơ, gân, đốt sống ở lưng của phụ nữ mạnh hơn ở nam giới, kém thích nghi với các hoạt động mạnh dẫn tới dễ bị đau buốt vùng lưng và xương cụt.
* Nguyên nhân gây đau xương cụt:
- Nguyên nhân thông thường: Đặc điểm của bệnh là khi ngồi lâu hay khi đang ngồi mà đứng lên hoặc khi nén ép vào đầu nhọn của xương cùng cụt thì đau nặng thêm.
- Nguyên nhân bệnh lý: Đa số phụ nữ bị đau xương cụt là do các bệnh phụ khoa gây nên. Ngoài ra, có thể là do các bệnh nội khoa, bệnh xương khớp (viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hóa khớp) hoặc những tổn thương từ bên ngoài như: bị ngã đập mông xuống đất hoặc va đập vào thành, góc các đồ vật, dụng cụ...
+ Viêm cơ quan sinh dục: Người bệnh có cảm giác đau buốt vùng thắt lưng, đau lưng, bụng dưới khó chịu hoặc bị trướng, sốt nhẹ, mệt, chán ăn... Cảm giác đau xương cụt nặng thêm khi làm việc quá nhiều, sau khi quan hệ tình dục hoặc trước kỳ kinh nguyệt.
+ Vị trí tử cung bất thường: Bình thường, tử cung của người phụ nữ thường hơi ngả về phía trước. Khi tử cung quá ngả về trước hoặc ngả về sau do tử cung và các tổ chức xung quanh bị viêm dính vào nhau sẽ khiến xương cụt bị đau. Trường hợp này thường xảy ra ở những người quá bận rộn, sinh đẻ nhiều hoặc đã từng làm phẫu thuật tử cung. Tử cung bị sệ xuống, thoát ra ngoài hoặc dính chặt bên trên có thể kéo dãn dây chằng, gây ra đau thắt lưng.
+ Vòng tránh thai bất thường: Một số phụ nữ đau xương cụt là do vòng tránh thai bất thường gây ra, như: kích cỡ vòng tránh thai không phù hợp với buồng tử cung, độ đàn hồi của vòng tránh thai quá lớn hoặc vị trí của vòng tránh thai bị lệch... Do đó, vòng tránh thai sẽ kích thích tới vách tử cung, gây ra đau xương cụt.
+ Khối u ở khoang chậu: Các khối u do u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, khối u buồng trứng... trong giai đoạn đầu thường nằm sâu trong khoang chậu, không dễ bị phát hiện. Khi khối u chèn lên dây thần kinh hoặc tế bào ung thư xâm nhập vào tổ chức liên kết của khoang chậu sẽ dẫn tới đau xương cụt.
+ Các bệnh của hệ tiết niệu: Do đặc điểm sinh lý, phụ nữ rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm hệ tiết niệu như: viêm thận mãn, viêm thận cấp, viêm đường tiết niệu... Ngoài ra, bị sỏi kết hạch hay có khối u trong hệ tiết niệu cũng có thể gây ra đau ở xương cụt.
- Nguyên nhân sinh lý
Các yếu tố sinh lý dẫn đến đau xương cụt như chu kỳ kinh nguyệt, do khoang chậu sung huyết, tử cung xuất huyết... khiến thần kinh khoang chậu bị phù hoặc gây ra phản xạ dẫn đến xương vùng lưng đau mỏi. Phụ nữ cao tuổi do dây chằng nối với tử cung bị giãn ra, tử cung hạ thấp xuống cũng khiến xương cụt và vùng thắt lưng bị đau.
Khả năng giãn nở của các cơ, màng gân và đốt sống lưng ở phụ nữ mạnh hơn ở nam giới rất nhiều, khả năng thích nghi với các vận động mạnh kém, dễ bị tổn thương dẫn tới đau buốt vùng thắt lưng.
Phụ nữ khi mang thai, trọng tâm cơ thể dồn về phía sau làm thay đổi kết cấu của các khớp nhỏ ở đốt sống lưng khiến các cơ, màng gân và dây chằng ở phần thắt lưng ở vào trạng thái căng thẳng trong một thời gian dài, hình thành nên những tổn thương mãn tính. Đồng thời khi mang thai, các cơ quan nội tạng trong cơ thể bị dịch lên phía trên, sau khi sinh con, chúng đột nhiên hạ xuống, đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra đau xương cụt và vùng thắt lưng cho phụ nữ.
* Điều trị đau xương cụt:
Để giảm đau nhức, người bệnh nên nằm nghỉ ngơi, kết hợp với một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là bổ sung canxi cho cơ thể. Không chơi thể thao, vận động mạnh trong thời gian bị đau. Có thể kết hợp với các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt hoặc dùng thuốc giảm đau đặt vào hậu môn. Nếu điều trị lâu ngày không khỏi, bác sĩ có thể khuyên người bệnh phẫu thuật cắt bỏ xương cùng. Bạn nên đến bệnh viện khám và kiểm tra để được tư vân điều trị.
Chúc bạn sức khỏe!