THẮC MẮC

Ngón tay út bị gãy của em đã cử động được đốt trên cùng còn đốt 2 ở giữa đốt 3 và khớp chưa tự động gập xuống được liệu sao không?

Chào bác sĩ, hiện tại ngón tay út bị gãy của em đã cử động được đốt trên cùng còn đốt 2 ở giữa đốt 3 và khớp chưa tự động gập xuống được, thụ động gập xuống em không thấy đau nữa, còn chủ động thì em chưa gập được, chỗ gãy và ngón tay không còn thấy sưng nữa, mẹ em nói là làm việc bình thường từ từ rồi ngón tay sẽ cử động được có đúng không ạ, mong bác sĩ tư vấn, em hoang mang quá vì từ lúc tháo bột tới giờ đã được gần 3 tuần mà mới cử động được đốt trên cùng, em lo là không biết sau này ngón tay em có bình thường lại được không.

Tư vấn

Chào bạn!
Các xương bàn tay, ngón tay nếu bị gãy sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động, cầm nắm, nhất là việc cầm bút, sử dụng dụng cụ trong lao động, sinh hoạt. Vì vậy, sau khi đã điều trị cố định, phải luyện tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, để việc luyện tập này có hiệu quả, cần có chỉ định luyện tập đúng và hợp lý. Mục đích của điều trị bàn, ngón tay sau khi gãy là giảm đau, giảm sưng nề, chống teo cơ, cứng khớp và phục hồi chức năng bàn, ngón tay. Cách thức luyện tập theo các giai đoạn khác nhau của quá trình hồi phục:
Thời kỳ bất động: Đây là giai đoạn tạo điều kiện cho quá trình liền xương, ổn định tổn thương, vì vậy việc luyện tập phục hồi chức năng chủ yếu áp dụng cho các ngón không bị gãy và các khớp không tổn thương. Các khớp và ngón không tổn thương được cử động tự do, có thể nâng cao tay trong khi tập nếu bàn tay bị sưng nề.
Thời kỳ xương đã lành, tổn thương đã ổn định, bỏ bột, tháo nẹp:
Lúc này xương đã liền và có thể chịu đựng một lực tác dụng lên nó. Do vậy, có thể tiến hành luyện tập phục hồi chức năng, cụ thể là ngâm bàn, ngón tay vào nước ấm để làm mềm cơ, sau đó xoa bóp nhẹ nhàng ngón tay bị gãy. Vuốt dọc hai bên ngón tay để làm giãn mềm các dây chằng hay sẹo co rút nếu có, làm nhiều lần, nhẹ nhàng tránh xây xước. Sau đó cho tập cử động có trợ giúp nhẹ nhàng bàn tay, ngón tay, tập các động tác gấp duỗi; trong đó lưu ý động tác gập nhiều hơn duỗi.
Một tháng sau: Tập để tăng sức mạnh của cơ gấp chung, đặc biệt của ngón tay bị tổn thương. Làm các động tác đối kháng, bệnh nhân tự vận động chủ động và còn chịu thêm một lực đối kháng lại với chiều của vận động. Ví dụ: tự gấp ngón tay vào lòng bàn tay và phải chống lại một lực kéo ngón tay ngược lại ra khỏi lòng bàn tay).
Phục hồi chức năng: Tiến hành tập các cử động khéo léo của bàn tay, ngón tay bằng cách cầm, nắm, nhặt những vật nhỏ. Lưu ý là trong giai đoạn này cần phải kiên trì luyện tập, tập đều đặn, từ các động tác dễ đến khó.
Để việc luyện tập có hiệu quả tốt, bệnh nhân cần đến các trung tâm phục hồi chức năng để được hướng dẫn luyện tập đúng phương pháp.
Chúc bạn sức khỏe!