THẮC MẮC

Ngứa sau khi làm bánh trung thu có sao không?

En tên vi, là nữ, 20 tuổi, vào dịp hè này em có đi làm ở một xưởng làm hộp bánh trung thu, hộp rượu, hộp muối... Lúc đầu em bị ngứa ở phần mông sau rồi ngứa khắp người như bị sâu lông, khi ngủ dậy thì hết nổi cục, em đã uống thuốc viêm da dị ứng 2 ngày nhung chỉ bớt được mấy ngày rồi lại bị, em muốn em bị bệnh gì, có thể điều trị được không ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Bạn bị ngứa và nổi sẩn cục, đây là biểu hiện của mày đay cấp tính. Mề đay là một mảng gồ trên da, có bờ rõ ràng, màu hồng hay đỏ nhưng ở trung tâm mảng mề đay thì thường nhạt màu hoặc hơi trắng. Mề đay thường có hình tròn, hình ovan hay ngoằn ngoèo, đặc biệt rất ngứa ảnh hưởng tới công việc và học tập, ngứa nhiều hơn về đêm. Kích thước nốt ban cũng rất khác nhau, có thể từ vài milimet đến vài centimet. Có một hay nhiều mảng mề đay nổi ở vị trí bất kỳ trên cơ thể, tuy nhiên mề đay hay thấy ở vùng mặc quần áo hoặc vùng nếp gấp nhiều hơn.
Diễn biến của mề đay thường thoáng qua và tùy từng người. Nó xuất hiện và lớn lên trong vòng từ vài phút đến vài giờ và biến mất sau 24 giờ với mề đay cấp, mề đay không đau và khi biến mất không để lại vết bầm trên da trừ khi trẻ gãi gây trầy xước da hay bị chấn thương. Nếu mảng ngứa mà đau và biến mất để lại vết bầm thì coi chừng là bệnh khác.
Mề đay có thể đau kèm với hiện tượng phù mạch (sưng mặt, môi, bộ phận sinh dục, đầu chi...). Nếu chỉ có phù mạch mà không có mảng mề đay nên đi tìm nguyên nhân khác gây phù mạch như các thuốc chẳng hạn.
Nguyên nhân gây mề đay cấp
Nhiễm trùng (nhiễm virut hay vi khuẩn): Chiếm 80% các trường hợp trong đó nhiễm virut hay gặp hơn. Virut hay gặp nhất là Piconavirus, Coronavirus, virut hợp bào hô hấp và vài loại virut khác. Khi mề đay khó trị với thuốc kháng dị ứng nhưng đáp ứng tốt với kháng sinh azithromycin thì thường liên quan tới nhiễm khuẩn mycoplasma pneumoniae. Mề đay cấp cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn tiền triệu của nhiễm viêm gan A, B nhưng cũng có thể là biểu hiện ban đầu của nhiễm HIV - tuy nhiên hiếm.
Nhiễm ký sinh trùng (nhiễm giun lươn, sán chó, giun đũa...) là một nguyên nhân đáng chú ý gây ra mề đay cấp. Ăn cá sống có chứa ký sinh trùng Anisakis simplex cũng có thể gây mề đay.
Thuốc: Kháng sinh là nhóm thuốc hay gây dị ứng, trong đó kháng sinh nhóm betalactam (cephalexin, cefuroxim, cepodoxime) là hay gây dị ứng hơn cả. Tất nhiên bất cứ loại thuốc nào cũng có thể gây ra dị ứng.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân như: nọc côn trùng, mủ cao su, thực phẩm và phụ gia thực phẩm, tiếp xúc với thời tiết lạnh quá... Bạn nên tạm ngừng làm việc và đi khám chuyên khoa da liễu để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp nhé.
Chúc bạn sức khỏe!