THẮC MẮC

Sắt huyết thanh 77, 7 và Feritin huyết thanh 4ng/ml nghĩa là gì?

Chào bác sĩ. Con em gần 4 tuổi, cháo từ lúc sinh ra dã uống sữa công thức vì mẹ không có sữa. Lớn lên cháu khó ăn nên đến nay vẫn ăn thức ăn cháo xay, vừa rồi cháu cứ chiều tối là ho và nôn hiện tượng này kéo dài đã 3 tháng, da cháu biểu hiện xanh xao, tôi đi khám bệnh viên nhi đồng 1 thì bác sĩ nghe phổi của cháu chuẩn đoán có nguy cơ hen suyễn nên cho thuốc uống 1 tuần. Nhưng khi uống tới ngày thứ 2 thì cháu nôn liên tục, mất sức. Tôi đưa cháu vào bệnh viện, xét nghiệm máu bác sĩ cho biết cháu thiếu máu thiếu sắt, điều trị truyền nước và cho thuốc tiêu hoá, chống ói, bao tử. Khoảng 4 ngày cháu hết ói và hơi chịu ăn lại. Đến ngày thứ 5 cháu khỏe hơn và bác sĩ cho xuất viện, cho thuốc bổ và men vi sinh. Trong sổ xét nghiệm có ghi chú: sắt huyết thanh 77, 7 và Feritin huyết thanh 4ng/ml. Như vậy cháu có bị thiếu máu nhiều không, thiếu sắt nhiều không ạ. Tôi có thể mua thêm siro để bổ sung sắt cho con tôi không ạ? Ngoài ra bác sĩ nói nếu nhà có điều kiện thì nên đi tầm soát nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt vì sợ cháu mắc bệnh thesalamia? Xin hỏi bác sĩ với xét nghiệm như vậy thì cháu có nguy cơ mắc bệnh thesalamia không ạ, vì tôi nge nói bệnh này thì phải tồn dư sắt chứ không thiếu sắt. Xin bác sĩ tư vấn ạ, cám ơn bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn!
Chỉ số bình thường trong máu của Sắt (Fe): 60- 170 µg/dl
• TIBC: 240 - 450 µg/dl
• Độ bảo hoà transferrin : 20-50%
Chẩn đoán thalasemia thường được dựa vào tiền sử bản thân và gia đình, thăm khám các triệu chứng, và xét nghiệm chẩn đoán như huyết đồ, phết máu ngoại vi, điện di huyết sắc tố, xét nghiệm sắt trong máu, và khảo sát DNA tìm đột biến gen. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sớm trong vòng 3 – 6 tháng đầu đời như:
- Thiếu máu mức độ nhẹ, vừa hoặc nghiêm trọng
- Xanh xao, da vàng, lách to
- Mệt mỏi, chậm chạp, biếng ăn
- Xương phì đại và dễ gãy
- Rối loạn tăng trưởng
- Dễ mắc bệnh nhiễm trùng
- Rối loạn nội tiết như chậm dậy thì, tiểu đường, rối loạn tuyến giáp
- Suy tim, khó thở
- Bất thường ở gan và mật
Bệnh alpha thalassaemia thường gây thiếu máu nhẹ hơn, mức độ thiếu máu rất thay đổi. Trường hợp nghiêm trọng nhất của bệnh alpha thalassemia là phù nhau thai làm cho thai bị chết lưu trong tử cung hoặc chết sớm sau sinh. Thể này đặc biệt phổ biến các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Philippines.
Bệnh beta thalassaemia nếu chỉ mang gen đột biến thì có thể chỉ bị thiếu máu nhẹ và ít khi cần phải điều trị. Tuy nhiên trong trường hợp cả hai gen beta đều bị đột biến thì tình trạng thiếu máu thường rất nghiêm trọng, cần phải truyền máu thường xuyên và điều trị liên tục. Bệnh nhân thường biểu hiện ngay trong năm đầu đời và tiên lượng trong điều kiện y học hiện nay thường kém. Để an tâm bạn nên cho con đi khám huyết học để loại trừ nhé.
Chúc bé sức khỏe!