THẮC MẮC

Thường xuyên thấy mạch đập mạnh, chẩn đoán bị chóng mặt nguyên nhân mạch máu là như thế nào?

Cháu chào bác sĩ. Năm nay cháu 28 tuổi, là nam. Gần 1 năm trở lại đây, cháu thường xuyên thấy mạch của mình đập mạnh nhất là khi nằm xuống (mạnh đập mạnh nhất là khi nằm xuống giường ngủ và cháu cảm thấy người mình bị rung lắc làm cho rất khó ngủ. Còn khi ngồi dậy thì lại đỡ nhưng cứ khi nằm thì lại thấy mạch đập mạnh như thế tiếp diễn ạ). Cháu còn cảm thấy người luôn mệt mỏi và rất hay bị choáng váng (đầu cứ lâng lâng choáng váng lảo đảo ạ). Và gần đây cứ tầm chiều tối là cháu hay bị nóng bừng lên đầu và mặt, đầu cảm giác ong ong bó chặt rất khó chịu ( lúc này cháu theo dõi huyết áp thì hầu như là khoảng 130/81 và nhịp tim 75). Còn thường ngày vào buổi sáng ngủ dậy và buổi trưa gần chiều cháu hay theo dõi huyết áp và nhịp tim của mình khi ngồi đo rất thất thường ( lúc thì huyết áp khoảng 110/67 nhịp tim từ 45-50 trở xuống thôi ạ, còn lúc thì 123/73 nhịp tim thì 65 ạ, rồi hôm cháu đi khám chuyên khoa thần kinh ở bệnh viện bạch mai thì bác sĩ chẩn đoán bị chóng mặt nguyên nhân mạch máu (bác sĩ xem điện não đồ, và đưa phim chụp CT nên bảng rồi nhìn rất nhanh và kết luận cháu thế ạ), cháu uống thuốc không thấy đỡ lắm. Cháu vẫn chưa hiểu bệnh cháu mà bác sĩ chẩn đoán là bệnh gì (hay mạch máu cháu bị làm sao ). Hiện giờ cháu làm hết giờ ở công ty chiều về thường xuyên đi bộ và chạy nhẹ tập thể dục, cháu dạo gần đây còn rất khó thở và khám thêm tổng quát thì kết quả xét nghiệm và bác sĩ kết luận là: phổi thì bác sĩ kết luận là viêm phế quản và hen phế quản. Về tim mạch thì kết luận bình thường không sao (nhưng có ghi trên giấy siêu âm là hở van động mạch phổi và hở van 3 lá 1/4 ), tiền sử cháu bị viêm hang vị dạ dày. Mong bác sĩ giúp cháu xem cháu đang bị làm sao ạ. Cháu đang rất lo lắng về bệnh của mình. Cháu cảm ơn bác sĩ ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Không rõ bạn đo nhịp tim có chính xác không. Như chúng ta đã biết, tim ví như cái máy bơm, tim phải co bóp để cung cấp máu cho các cơ quan để duy trì sự sống. Tim muốn co bóp được, phải có nút tạo nhịp tim gọi là nút xoang, phát xung kích thích tim co bóp. Ở người bình thường, nút xoang phát nhịp 60 – 80 lần/phút. Khi gắng sức (vận động, tập thể thao…) nút xoang sẽ đáp ứng phát nhịp nhanh hơn theo nhu cầu cơ thể. Khi bị bệnh rối loạn nhịp chậm, tim đập chậm hơn bình thường, ví dụ dưới 50 lần/phút, dưới 40 lần/phút, thậm chí dưới 30 lần/phút, có khi ngưng tim kéo dài. Tùy mức độ nhịp chậm, bệnh nhân có thể có biểu hiện khác nhau, nhẹ thì chỉ mệt, không có khả năng gắng sức, choáng váng, nặng thì bị ngất do thiếu máu não, có khi ngưng tim đột tử. Với tình trạng hở van tim ¼ thì không đáng lo lắng. Tuy nhiên để an tâm bạn nên khám lại tại trung tâm tim mạch uy tín để được tư vấn trị bệnh nhé.
Chúc bạn sức khỏe!