THẮC MẮC

Tiền sử thai lưu, chửa trứng và điều trị tiêm hóa chất 3 đợt, sau 2 năm có bầu phải ra phụ sản trung ương tiêm nội tiết, vậy nếu muốn có bé thứ 2 thì phải như thế nào ạ?

Chào bác sĩ. Bác sĩ ơi em hỏi chút ạ, em đọc được bài báo này mà em là nhóm máu B rh- em có từng có tiền sử thai lưu, chửa trứng và điều trị tiêm hóa chất 3 đợt, sau 2 năm có bầu phải ra phụ sản trung ương tiêm nội tiết, vậy nếu muốn có bé thứ 2 thì phải như thế nào ạ? Nội dung bài báo như sau Ⓞ Ⓐ Ⓑ Trường hợp mẹ có nhóm máu Rh-, bố có nhóm máu Rh+, theo quy luật di truyền, có ít nhất 50% trẻ sinh ra có nhóm máu giống bố là Rh+. Trong trường hợp có thai lần đầu, đứa trẻ mang nhóm máu Rh+ vẫn phát triển bình thường cho đến khi ra đời nếu quá trình mang thai, bánh nhau không bị tổn thương. Nhưng từ lần có thai thứ 2 trở đi, nếu con vẫn có nhóm máu Rh+ thì thường xảy ra sự cố nghiêm trọng do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con: do cơ thể mẹ sinh ra kháng thể đi qua bánh nhau chống lại kháng nguyên Rh+ có trên bề mặt hồng cầu của con và gây ngưng kết hồng cầu, còn gọi là tan máu. Hậu quả có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, hoặc đứa trẻ sinh ra bị thiểu năng trí tuệ.

Tư vấn

Chào bạn!
Trước đây, bất đồng nhóm máu Rh là vấn đề rất nghiêm trọng. Nhưng hiện nay, những tiến bộ vượt bậc của y học đã giúp phòng ngừa những biến chứng do bất đồng Rh và điều trị những trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi bệnh tán huyết.
Khi phụ nữ nhóm máu Rh(-) có thai, bác sĩ sẽ chỉ định 2 liều huyết thanh miễn dịch Rh (Rh immune-globulin) trong thời gian mang thai. Liều đầu tiên vào tuần thứ 28 của thai kỳ và liều thứ hai trong vòng 72 giờ sau sinh. Những kháng thể trong hai liều thuốc trên sẽ chủ động phá hủy và ngăn chặn những tế bào hồng cầu Rh(+) từ thai nhi qua máu mẹ, qua đó giảm thiểu sự tiếp xúc của cơ thể mẹ với hồng cầu Rh(+) và ngăn ngừa sự sản xuất kháng thể Rh trong cơ thể mẹ. Nhờ đó, lần mang thai tiếp theo sẽ không gặp vấn đề do bất đồng nhóm máu Rh nữa. Vì vậy, cứ mỗi lần mang thai, thai phụ đều cần được tiêm huyết thanh miễn dịch Rh để phòng ngừa việc sản xuất kháng thể ở mẹ dẫn đến bệnh tán huyết ở thai nhi trong lần mang thai sau.
Nếu bác sĩ đã xác định rằng người phụ nữ đã có kháng thể Rh thì thai kỳ sẽ được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo nguy cơ thấp nhất. Trong một số ít trường hợp, khi sự bất đồng nhóm máu là nghiêm trọng và thai nhi gặp nguy hiểm, máu có thể được truyền bên ngoài vào nuôi em bé trong tử cung hoặc sau sinh.
Sự truyền máu này sẽ thay máu của em bé bằng hồng cầu nhóm Rh(-). Phương pháp này giúp ổn định số lượng hồng cầu của em bé cũng như giảm thiểu tổn thương hồng cầu gây ra bởi các kháng thể kháng Rh đang tuần hoàn (lưu thông) trong cơ thể em bé.
Tại Hoa Kỳ, nhờ hiệu quả của phương pháp tiêm huyết thanh miễn dịch, việc truyền máu từ bên ngoài chỉ trở nên cần thiết ở không quá 1% tổng số trường hợp bất đồng nhóm máu Rh.
Chúc bạn sức khỏe!