THẮC MẮC

Trong khoảng thời gian đó có 3lần tiểu cầu bé được 150ngàn nhưng khoảng nữa tháng sau lai bị giảm xuống là sao?

Con em sinh năm 2014 bé bi bệnh giảm tiểu cầu từ tháng 6/2014 đến nay. Trong khoảng thời gian đó có 3lần tiểu cầu bé được 150ngàn nhưng khoảng nữa tháng sau lai bị giảm xuống. Bác sĩ nói tiểu cầu của bé hơi nhỏ kêu em đi làm xét nghiệm gen. Em hoang mang quá. Nếu như bé bi bệnh do gen thì phải điều trị như thế nào, co hết bệnh không.

Tư vấn

Chào bạn!
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng giảm tiểu cầu. Đối với chứng bệnh giảm tiểu cầu do miễn dịch thì đây là một trong những nguyên nhân gây giảm tiểu cầu hay gặp nhất và thường không có triệu chứng nào khác. Bệnh này còn có một tên gọi khác trước đây là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Dù không biết nguyên do gây giảm tiểu cầu do miễn dịch nhưng người ta ghi nhận sự hoạt động không đúng của hệ miễn dịch (hệ thống phòng thủ bệnh tật chính của cơ thể). Kháng thể được tạo ra để tấn công các yếu tố ngoại lai thì nay nó tấn công phá hủy tiểu cầu của cơ thể. Có một số lý do khác khiến cho tiểu cầu bị giảm: nhiễm trùng như nhiễm virút (thủy đậu, parvo, viêm gan C, Epstein-Barr, HIV), nhiễm khuẩn máu nặng, nhiễm Helicobacter pylori (đường tiêu hóa).
Thuốc: do tác dụng phụ của thuốc (thuốc tim mạch, thuốc chống động kinh, kháng sinh), thuốc kháng đông máu heparin, hóa trị liệu; do điều trị: phẫu thuật bắc cầu tim, xạ trị trong điều trị các bệnh tủy xương; các tình trạng bệnh lý: ung thư máu (ung thư bạch cầu hoặc ung thư hạch lympho), các bệnh lý ảnh hưởng tủy xương (ngộ độc rượu), thiếu vitamin B12 hoặc vitamin B9, phụ nữ có thai (khoảng 5% phụ nữ khỏe mạnh mang thai thì bị giảm tiểu cầu nhưng sau sinh thì bình thường và không có triệu chứng gì), chứng lách to, cơ thể dùng quá nhiều tiểu cầu nên không đủ (trong các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ hệ thống), bệnh lý hiếm khác như hội chứng tán huyết do urê hoặc ban xuất huyết rãi rác. Nói chung việc xác định chính xác nguyên nhân nào gây giảm tiểu cầu là không dễ dàng, phải được xem xét bởi chuyên gia huyết học cùng với các xét nghiệm chuyên biệt. Bạn nên cho con tiến hành xét nghiệm theo khuyến cáo của bác sỹ để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị đúng nhé.
Chúc bé sức khỏe!