THẮC MẮC

Viêm bờ mi mãi không khỏi có nguy cơ mắc ung thư mi mắt không?

Chào bác sĩ, con năm nay 21 tuổi. Khoảng 2 năm trước mắt con cộm xốn, nhìn mờ thì đi BV mắt TP.HCM được chẩn đoán là viêm bờ mi. Trên viền mi dưới của con xuất hiện 3,4 cục màu trắng hơi xám xám, bằng nửa hạt gạo, không đau ạ. Con sử dụng 1 đợt thuốc, lần sau tái khám và được chỉ định là nặn tuyến bờ mi. Khi nặn về chườm ấm thì có 1 hạt nó trồi ra ngoài y như hạt mụn vậy đó bác sĩ. Con nghĩ là không sao nên chủ quan. Và các hạt còn lại vẫn tồn tại, gần đây nó nổi thêm 1,2 hạt nữa. Tổng bên mắt trái con có 5 hạt, mắt phải 2 hạt. Con soi gương thấy vùng mi chỗ có hạt nó cộm lên so với vùng mi lành lặn. Con có vào bệnh viện khám lại, lần đầu chẩn đoán Viêm kết mạc, lần 2 tái khám bác sĩ khác chẩn đoán Viêm bờ mi. Con không yên tâm lắm vì bác sĩ khám đông bệnh nhân, xem không kĩ lại kiệm lời con không hỏi được gì nhiều. Con đọc trên mạng thấy cục u trong mắt nổi dai dẳng thì là biểu hiện của ung thư mi mắt, không biết con có mắc ung thư không? Xin bác sĩ cho con lời khuyên để con yên tâm. Viêm bờ mi của con mãi không hết, làm thế nào cho mấy hạt đó hết bây giờ thưa bác sĩ ?

Tư vấn

Chào bạn!
Viêm bờ mi là viêm phần da mi và phần lông mi mọc. Thường viêm bờ mi xảy ra khi tuyến bã gần chân lông mi hoạt động kém. Khi tuyến bã giảm chức năng, vi khuẩn phát triển dẫn đến viêm, ngứa và kích thích mi mắt. Viêm bờ mi thường mạn tính và khó điều trị. Mặc dù thực sự khó chịu nhưng không ảnh hưởng nhiều đến thị lực.
Nếu bị viêm bờ mi, người bệnh có thể bị rụng lông mi, lông mi mọc bất thường hoặc sẹo mi, hoặc những biến chứng khác như:
Lẹo: Là một nhiễm khuẩn xuất phát từ vị trí gần chân lông mi. Nó là một bướu ở bờ hoặc trong mi mắt đau. Lẹo thường dễ thấy trên bề mặt mi mắt.
Chắp: Xảy ra khi có tắc ở một trong các tuyến nhỏ ở bờ mi. Tuyến có thể bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn, thường gây đỏ, sưng mi. Không giống lẹo, chắp thường nhô lên trên từ trong mi mắt.
Chảy nhiều nước mắt hoặc khô mắt: Bài tiết chất dầu bất thường và các hạt bám ở lông mi giống như gàu bám da đầu. Phim nước mắt bất thường cản trở sự bôi trơn mắt. Viêm bờ mi có thể cản trở chức năng tiết chất nhầy của mi mắt gây khô mắt.
Đau mắt mạn tính: Viêm bờ mi có thể làm tái phát đau mắt đỏ.
Tổn thương giác mạc: Kích thích liên tục từ bờ mi bị viêm hoặc lông xiêu có thể gây xước, loét giác mạc.
Điều trị viêm bờ mi
Viêm bờ mi khó điều trị nhưng vệ sinh tốt có thể kiểm soát được các triệu chứng và phòng bệnh. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện, bác sĩ sẽ kê đơn mỡ kháng sinh bôi tại chỗ. Trong trường hợp nặng, thuốc tra mắt dạng dung dịch phối hợp với kháng sinh và chống viêm có thể được chỉ định phối hợp. Viêm bờ mi thường dai dẳng, dễ tái phát. Ngoài việc dùng thuốc theo y lệnh của bác sỹ hãy vệ sinh nhiều lần trong ngày có thể mang lại cho bạn hiệu quả kiểm soát tốt.
Cách tự chăm sóc:
- Nếu bị viêm bờ mi, hãy làm theo hướng dẫn tự chăm sóc sau đây 1 hoặc 2 lần một ngày:
- Đặt một chiếc gạc ấm lên mắt (nhắm trong 10 phút).
- Ngay sau đó dùng một chiếc khăn dấp nước ấm và nhỏ một vài giọt dầu gội đầu của trẻ sơ sinh để rửa ngay các hạt dầu hoặc vảy ở chân lông mi.
- Rửa sạch mi mắt với nước ấm và nhẹ nhàng làm khô với khăn sạch, khô.
Bạn cần thận trọng khi làm sạch chân lông mi. Để làm việc này một cách tốt nhất, bạn nên kéo mi mắt ra để tránh làm tổn thương giác mạc do khăn lau. Hãy hỏi bác sĩ xem có cần dùng thêm dung dịch kháng sinh tại chỗ sau khi làm sạch mi mắt theo cách này.
Tiếp tục dùng phương pháp này đến khi các triệu chứng của bệnh hết. Mặc dù có thể làm giảm số lần vệ sinh mắt trong ngày nhưng nên duy trì thói quen tự chăm sóc mắt hằng ngày để giữ mắt luôn ở trạng thái kiểm soát. Nếu bị tái phát thì bạn nên tự vệ sinh mắt hằng ngày 1 hoặc 2 lần.
Chúc bạn sức khỏe!