10 vấn đề tế nhị đừng ngại chia sẻ với bác sĩ

Kỹ năng sống - 04/25/2024

Cho dù vấn đề về sức khỏe có nhạy cảm đến mức nào, hãy nhớ, bạn không phải là người duy nhất đối mặt với nó.

Đừng lo lắng vì bạn không phải là người đầu tiên mắc bệnh. Khám bệnh luôn đi kèm với việc chia sẻ những vấn đề riêng tư về sức khoẻ. Có một số bệnh không phải ai cũng mắc phải; nhưng với những vấn đề về sức khoẻ tình dục, mụn nhọt hay mùi cơ thể, thậm chí vấn đề về cảm xúc, thì không nên giấu dếm.

Sau đây là 10 vấn đề về sức khoẻ mà bạn nên chia sẻ với nhân viên y tế, để nhận được tư vấn và sự giúp đỡ. 

1. Dị vật trong cơ thể

Không biết đây có phải là ‘giây phút ngượng nhất’ của bệnh nhân hay không, nhưng phòng cấp cứu bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận những ca mắc kẹt đồ chơi tình dục hoặc các dụng cụ gia đình trong cơ thể.

Kate Patrizzi, y tá lâm sàng tại phòng cấp cứu chia sẻ: ‘Rất nhiều dị vật được đưa vào trực tràng và kẹt trong đó. Ngoài ra còn có dương vật giả, thìa múc kem'.

Nếu gặp phải trường hợp tương tự trên thì cũng đừng xấu hổ. Hãy đến ngay phòng cấp cứu. Nhân viên y tế sẽ tiêm thuốc giảm đau, sau đó chụp X-quang và chụp cắt lớp CT để xác định vị trí của dị vật. Một số trường hợp có thể dễ dàng lấy dị vật ra, một số khác phải cần đến phẫu thuật.

2. Bệnh lây qua đường tình dục (STD)

10 vấn đề tế nhị đừng ngại chia sẻ với bác sĩ

Ảnh minh họa

Theo Patrizzi, nhiều người đến phòng cấp cứu để sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu bạn tình thông báo họ đã phơi nhiễm STD nhưng chính bạn lại không thấy dấu hiệu nào thì không nên phớt lờ và hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Hãy đi kiểm tra để có thể điều trị kịp thời và phòng tránh lây nhiễm cho những người khác.

Một số STD - như bệnh lậu - thường có triệu chứng rõ ràng, nhưng một số bệnh khác thì không. Ví dụ bệnh sùi mào gà chỉ phát bệnh sau một thời gian ủ bệnh mà không hề có dấu hiệu đầu tiên nào. Nhiễm Chlamydia - một loại STD thông thường - không có triệu chứng nào trong thời gian ủ bệnh.

3. Mồ hôi cơ thể quá nhiều

Thông thường, cơ thể tiết mồ hôi khi bạn đứng dưới nắng hay thuyết trình trước đám đông. Nhưng ra quá nhiều mồ hôi mà bạn không hề muốn thì đó là dấu hiệu của bệnh tăng tiết mồ hôi.

Theo David Pariser, bác sĩ da liễu tại Virginia Beach và Norfolk, Virginia, và là người sáng lập Hội nghiên cứu Bệnh tăng tiết mồ hôi thế giới: ‘Nếu bạn phải thường xuyên thay áo, hoặc tắm vài lần trong ngày do mồ hôi; bàn tay đẫm mồ hôi mặc dù bạn không hề có cảm xúc lo lắng hay đang tập thể dục, hoặc bạn thấy mình không thể cầm các đồ vật thì nên đến khám bác sĩ’. 

Pariser cho hay, việc chia sẻ các dấu hiệu về bệnh rất quan trọng, bởi vì luôn sẵn có những phương pháp chữa trị và bạn biết rằng bạn không hề đơn độc trước một căn bệnh nào cả. Ngay cả khi bạn không bị tăng tiết mồ hôi, thì việc ra nhiều mồ hôi cũng có thể là triệu chứng của rối loạn nào đó trong cơ thể hoặc do ảnh hưởng của việc điều trị thuốc, việc này nên được kiểm tra và đánh giá.

10 vấn đề tế nhị đừng ngại chia sẻ với bác sĩ

Ảnh minh họa

4. Sợ sex sau cơn đau tim

Thường thì sau khi phục hồi cơn đau tim, đời sống tình dục của bệnh nhân có thể trở lại bình thường. Nếu bạn mắc bệnh về tim mạch, hãy đến bệnh viện khám chuyên khoa để được tư vấn.

Những câu hỏi có thể bao gồm: ‘Sau khi khỏi bệnh, tần suất quan hệ tình dục nên như thế nào?’ hoặc ‘Tôi có thể làm gì trong lúc đó?’ và ‘Làm thế nào để tôi cảm thấy dễ chịu hơn?’. Với một số bệnh nhân mắc bệnh tim kèm chứng khó thở, câu trả lời cần cụ thể và chính xác.

Theo GS. Steinke thuộc Trường ĐH bang Wichita: ‘Một số bệnh nhân nói rằng họ sẽ không quan hệ tình dục nữa’, cho dù vấn đề họ mắc phải không quá nghiêm trọng.

5. Cuộc sống khép kín và bạn cảm thấy cô đơn 

Suzanne LaCombe, một chuyên gia tâm thần học tại Vancouver, chia sẻ, với bệnh nhân của cô, sex không hoàn toàn là vấn đề khó mở lời nhất. Thay vào đó, cô nhận thấy họ thường gặp các vấn đề về việc chia sẻ cảm xúc với những người khác.

Những bệnh nhân này ‘chưa từng cảm thấy họ thuộc về nơi nào. Họ cảm thấy có điều gì đó xa cách. Những mối quan hệ gần như không có gì thay đổi. Họ sống cuộc sống khép kín, ít bạn bè, thậm chí không có. Những mối quan hệ dường như là thử thách với họ, điều duy nhất họ cảm thấy là sự cô độc'.

LaCombe, người thực hiện liệu pháp tâm thần học dựa vào cơ thể, cho biết, chỉ sau một vài buổi trò chuyện tâm lí, bệnh nhân có thể chia sẻ một số vấn đề cốt lõi. Theo cô LaCombe, liệu pháp này có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của bệnh nhân nếu họ chịu chia sẻ.

10 vấn đề tế nhị đừng ngại chia sẻ với bác sĩ

Ảnh minh họa

6. Thời gian cương dương quá lâu

Trong những vấn đề thường được nhắc đến trong các chương trình quảng cáo thuốc trên truyền hình, vấn đề ‘thời gian cương dương kéo dài hơn 4 giờ’ là điều được nhiều người chú ý. Nhưng nếu bạn nghĩ vấn đề này không quá nguy hiểm, thì nên cân nhắc lại.

Priapism (chứng cương dương vật) – là một thuật ngữ y học về sự cương dương – khiến cho bệnh nhân cảm thấy khá đau đớn và có thể cần phẫu thuật, thậm chí có thể dẫn đến liệt dương hoàn toàn nếu không được điều trị kịp thời, theo Glen Stimmel, giáo sư về dược lâm sàng và tâm thần học của Trường Đại học Southern California.

Tuy nhiên, chứng cương dương vật là trường hợp hiếm gặp. Người ta thường nghĩ rằng hội chứng này xảy ra với những người sử dụng thuốc chữa rối loạn cương dương, nhưng thực tế, nó xảy ra khi dùng trazodone, một loại thuốc chủ yếu được dùng như thuốc chống trầm cảm, nhưng cũng được kê đơn để người bệnh dễ ngủ hơn.

Stimmel nói, nếu bác sĩ kê cho bạn một toa thuốc mới, dù bất kỳ nguyên nhân nào, bạn cũng nên tư vấn dược sĩ về độ an toàn và hiệu quả của thuốc.

7. Ban đỏ vùng sinh dục 

Những ban đỏ ở khu vực nhạy cảm thường làm bạn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Chúng thường xuất hiện xung quanh ‘cậu nhỏ’, ‘cô bé’ hoặc mông, khiến cho bạn cảm thấy không thoải mái. Cho dù nguyên nhân là nấm bẹn, hoặc ghẻ hay rận mu hay các bệnh như vẩy nến xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể, bạn cũng nên đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt để điều trị sớm, tránh gãi lây lan khắp cơ thể.

8. Tự ti vì hàm răng không đẹp

‘Khi cười chúng ta có thể đưa tay lên miệng che hay mím môi để người khác khó nhìn thấy hàm răng’, theo Tamara Berg, nha sĩ tại Yukon, Oklahoma. Một số bệnh nhân đã tới gặp cô thông qua chương trình quốc gia Nụ cười để Thành công do Hiệp hội Nha sĩ Nữ Hoa Kỳ phát động nhằm giúp đỡ những phụ nữ có hàm răng không đẹp như ý muốn.

Berg cho biết: ‘Khi những bệnh nhân này đến, đa phần họ không dám cười. Họ cảm thấy rất bối rối và không thể tìm được việc. Họ cũng không quan tâm đến việc chăm sóc bản thân và cũng không biết phải làm gì để kiếm được việc hay thậm chí để cười trở lại'.

Những bệnh nhân này cảm thấy rất ngạc nhiên và hài lòng khi biết việc xử lý răng hỏng vô cùng đơn giản, chỉ thay răng hoặc làm trắng răng, loại khỏi những vết ố và mảng bám.

10 vấn đề tế nhị đừng ngại chia sẻ với bác sĩ

Ảnh minh họa

9. Ăn quá nhiều và muốn thanh lọc cơ thể 

Những người mắc chứng cuồng ăn thường áp dụng rất nhiều biện pháp có hại cho cơ thể để giảm lượng calo thừa do ăn uống quá nhiều. Việc loại bỏ thức ăn ra khỏi cơ thể bao gồm lạm dụng thuốc nhuận tràng, sử dụng dụng cụ thụt hoặc thuốc lợi tiểu, hoặc nôn hết thức ăn.

Theo cô Berg, những bệnh nhân này không hề muốn nói đến chứng cuồng ăn của mình, nhưng những nha sĩ có thể thấy ảnh hưởng của hội chứng này ở mặt sau của hàm răng, do axít dạ dày ăn mòn men răng, làm răng mỏng và mờ đục. 

Chứng cuồng ăn có tác động tiêu cực đến cuộc sống. Vì vậy, nếu có triệu chứng này, bạn cần đến bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần sớm nhất có thể.

10. Hơi thở có mùi

Mỗi người trong chúng ta đều có những mùi khác nhau, một số có mùi nặng hơn những số khác. Cách đơn giản nhất là sử dụng cạo lưỡi hoặc bàn chải để đánh sạch lưỡi, bởi vì lưỡi là nơi vi khuẩn thường xuyên lưu trú.

Điều này giống như việc bạn đi khám bác sĩ, bạn thường ngại với những câu hỏi dạng này - và rồi cứ thế bỏ qua. Nhưng cho dù vấn đề về sức khỏe có nhạy cảm đến mức nào, hãy nhớ, bạn không phải là người duy nhất đối mặt với nó.

Ngọc Luyện (Theo Health)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!