60% bệnh nhân máu khó đông chưa được điều trị

Kỹ năng sống - 05/02/2024

Đa số các bệnh nhân chỉ đi điều trị khi bệnh đã nặng.

Ước tính, có khoảng 6.000 người Việt mắc bệnh Hemophilia (bệnh chảy máu khó đông), tuy nhiên vẫn còn tới trên 60% bệnh nhân chưa được chẩn đoán và điều trị.

Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Hemophilia Thế giới (17/4) vừa diễn ra tại Hà Nội. Những hoạt động hưởng ứng ngày Hemophilia Thế giới tại Việt Nam do Hội rối loạn đông máu Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức sẽ là hoạt động thiết thực góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh máu khó đông.

Bệnh chảy máu khó đông tương đối hiếm gặp, tỉ lệ mắc bệnh khi sinh là 1/10.000. Người bệnh không chảy máu nhanh hơn bình thường mà là chảy máu lâu hơn bình thường. Nguyên nhân là do thiếu yếu tố đông máu. Bệnh được chia làm 2 loại là Hemophilia A (thiếu yếu tố đông máu số 8) và Hemophilia B (thiếu yếu tố đông máu số 9).

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch hội rối loạn đông máu Việt Nam, cho biết, hiện nay trên toàn quốc mới có khoảng 2.200 người (chiếm gần 40%) bệnh nhân được phát hiện và chăm sóc thường xuyên. Như vậy, tỉ lệ bệnh nhân chưa được chẩn đoán và điều trị vẫn còn ở mức cao.

60% bệnh nhân máu khó đông chưa được điều trị

Ảnh minh họa

Theo giáo sư Nguyễn Anh Trí, nếu bệnh này được phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đầy đủ, bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh và tham gia vào các hoạt động xã hội bình thường. Tuy nhiên, hiểu biết về căn bệnh trên của nhiều bệnh nhân, gia đình bệnh nhân còn hạn chế. Đa số các bệnh nhân chỉ đi điều trị khi bệnh đã nặng.

Hiện nay, tại Việt Nam có 6 cơ sở chính điều trị và quản lý bệnh nhân Hemophilia bao gồm Viện huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu - huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tại Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang quản lý và điều trị khoảng 12.000 bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày có từ 80 đến 100 bệnh nhân tới điều trị nội và ngoại trú.

Giáo sư Trí cho hay, những bệnh nhân Hemophilia cần điều trị thường xuyên, trong khi chế phẩm máu dùng cho điều trị có giá thành tương đối cao, gây khó khăn về tài chính trong quá trình điều trị bệnh. Do vậy, bệnh nhân luôn cần sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!