Hè đến là khoảng thời gian tuyệt vời nhất cho những chuyến du lịch dài hoặc các hoạt động ngoài trời đầy thú vị. Tuy nhiên, sau ánh nắng ấm áp cùng cơn mưa phùn mát rượi lại có thể tiềm ẩn những "kẻ thù giấu mặt" vô cùng nguy hiểm - dịch bệnh. Trong chủ đề hôm nay, Vicare xin điểm qua 7 loại dịch bệnh thường bùng phát và có tính lây lan vào mùa hè cùng các biện pháp hiệu quả để phòng tránh.
1. Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra, chủ yếu lây từ người mắc bệnh sang người lành qua loại muỗi vằn hút máu. Loại muỗi vằn này thường ẩn nấp trong các góc tối, nơi ẩm thấp và hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Với loại bệnh cấp tính này, tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải,đặc biệt là trẻ em từ 3 đến 10 tuổi.
Theo chia sẻ của TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế): “Người mắc phải bệnh sốt xuất huyết thường có những biểu hiện như: sốt cao một cách đột ngột, buồn nôn, chán ăn, đau đầu, đau nhức xương khớp. Tình trạng này có thể kéo dài đến một tuần hoặc cũng có thể lâu hơn tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh”, “Song song với sốt là phát ban và uể oải kéo dài trong nhiều lần, xuất hiện thường xuyên nhất là xuất huyết dưới da”.
Cụ thể, đối với trẻ nhỏ:
Trẻ thường sốt cao, sốt đột ngột, sốt từ 38 – 39 độ, nhưng thường không kèm theo các triệu chứng như ho, sổ mũi. Khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt thì chỉ có tác dụng trong vài giờ
Có dấu hiệu xuất huyết, xuất hiện các chấm đỏ trên mặt, da và các chi
Có triệu chứng nôn mửa, chảy máu cam, nghiêm trọng hơn là đi ngoài ra máu
Có thể đau bụng, đau dữ dội, đau ở vùng dưới sườn bên phải
Đối với trẻ lớn hơn hoặc người trường thành thì cũng có dấu hiệu sốt nhưng sốt nhẹ, đau đầu, nhức mắt, đau khớp, nhức mỏi toàn thân và cũng có các dấu hiệu xuất huyết trên da.
Theo kết quả nghiêm cứu mới nhất, Virus gây bệnh sốt xuất huyết có đến 4 chủng huyết thanh khác nhau. Do đó, bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo miễn dịch suốt đời với duy nhất chủng virus đó. Chính vì vậy, những người sống trong vùng dịch có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời và cho đến nay vẫn chưa loại thuốc đặc trị hay vaccine nào có thể điều trị loại bệnh này một cách .
Thực tế cho thấy, tháng 5 - khi mùa mưa bắt đầu chính là thời điểm thuận lợi nhất để bùng phát dịch. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho người thân trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, cần đặc biệt lưu ý:
Không cho trẻ hoạt động dưới các nơi có môi trường tối tăm, ẩm thấp, ao tù nước đọng.
Nên buông màn khi ngủ, mặc quần áo dài cả ngày lẫn đêm để tránh muỗi
Dùng 1 số biện pháp diệt muỗi như: sử dụng bình xịt, thắp nhang muỗi, phun thuốc chống muỗi...
Đậy kín các nơi có nước như lu, vại... đây là nơi giúp muỗi có điều kiện sinh sản và phát triển
Phát quang bụi rậm
Giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát
Đặc biệt, khi có dấu hiệu sốt cao hoặc các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà, dễ gây biến chứng nguy hiểm.
>>> Xem thêm: Bị sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi, nên ăn gì khi bị sốt xuất huyết?
2. Tay chân miệng
Theo các chuyên gia y tế, bệnh Tay - chân - miệng do siêu vi trùng đường ruột Coxsackieviruses A16 và Enterovirus 71 gây ra và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhiều nhất là các bé dưới 3 tuổi.
Virus bệnh tay – chân – miệng có tính chất lây lan rất mạnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt từ người bệnh sang người lành, đặc biệt ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ...
Tùy từng giai đoạn cụ thể mà bệnh có những triệu chứng khác nhau. Các biểu hiện của bệnh thường bắt đầu rõ nhất khi người bệnh nhiễm vi rút từ 3 – 6 ngày (tức thời gian ủ bệnh từ 3 – 6 ngày), thường thấy nhất là sốt nhẹ (38 - 38,5 độ), chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng,... Sau đó là đến giai đoạn toàn phát.
Nổi ban trên da:
Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh Tay - chân - miệng. Trong 1-2 ngày sau khi phát bệnh, người bệnh sẽ có những nốt hồng ban hình bầu dục, đường kính 2-5mm, ở giữa có màu xám sẫm, nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước. Tiếp theo, các bọng nc này sẽ tiếp tục lan ra ở bàn tay, bàn chân hay thậm chí ở phần mông. Các bọng nước, mụn nước này không hề gây đau rát và sẽ tự xẹp trong 7 – 10 ngày.
Loét miệng:
Ngoài các vết ban trên da, mụn nước cũng bắt đầu xuất hiện ở các vị trí như niêm mạc miệng, bên trong má, lợi, mặt bên của lưỡi. Lúc này kích thước của mụn nước thường từ 2-3mm, nằm trên niêm mạc viêm đỏ, sau đó rất nhanh chóng vỡ ra, gây ra những vết loét có đường kính từ 4-8mm ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng khiến bệnh nhân đau rát vùng miệng và gặp khó khăn trong việc ăn uống. Các biểu hiện của bệnh tay – chân – miệng rất dễ phát hiện nhưng thường dễ bị lầm tưởng là bệnh viêm loét miệng, thuỷ đậu hay dị ứng thông thường, dẫn đến nhiều di chứng không mong muốn.
Bệnh Tay – chân – miệng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, v.v.
Một số biểu hiện của giai đoạn biến chứng cần đặc biệt lưu ý:
Bệnh nhân bị co giật, bứt rứt, yếu chi, nôn ói, sốt cao, hôn mê, mạch đập nhanh, sùi bọt hồng ở miệng... Đây đều là những biến chứng nguy hiểm, diễn biến nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ, đặc biệt là biến chứng viêm màng não. Vì vậy, người nhà cần chú ý để phát hiện những biểu hiện sớm của bệnh, khi có dấu hiệu của biến chứng cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện trong vòng 6 tiếng đầu kể từ khi phát hiện để được cấp cứu kịp thời.
Hiện tại vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh, do vậy, để phòng tránh, đặc biệt là cho trẻ, nên:
Hạn chế đến những nơi đông người hoặc tiếp xúc với người bệnh nếu không thật cần thiết để tránh tình trạng lây lan trên diện rộng
Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn sau khi chăm sóc bệnh nhân
Không chọc vở các mụn nước trên da bệnh nhân
Phòng và các đồ dùng của bệnh nhân cần được vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn
Khi phát hiện có các dấu hiệu đã nêu, bệnh nhân nên được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và nghỉ ngơi cho đến khi khỏi hẳn.
>>> Xem thêm: Mách mẹ cách chăm sóc trẻ bị bệnh chân tay miệng an toàn
3. Bệnh tiêu chảy:
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiêu chảy là do bệnh nhân ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn có khả năng đột nhập vào niêm mạc ruột và gây bệnh như Salmonella (S. Typhi murium và S. Enteritidis). Thời gian ủ bệnh trung bình 12 – 36 giờ sau khi ăn.
Khi khởi phát, bệnh nhân sẽ có triệu chứng sốt đột ngột , đau bụng vùng thượng vị hoặc quanh rốn, không mót rặn, tiêu chảy nhiều lần, phân thối, nhiều nước. Phân đôi khi có nhầy, máu, gần giống với phân lỵ trực khuẩn. Trường hợp nghiêm trọng có hiện tượng rối loạn điện giải do mất nước (môi khô, mắt trũng, khát nước), sốt cao liên tục 39-40 độ, nôn ói liên tục, phân có lẫn máu, người mệt mỏi và ngủ li bì. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do trụy mạch và mất nước.
Đa số với các trường hợp nhiễm bệnh, nếu không có biểu hiện nghiêm trọng thì đều được bác sĩ chỉ định theo dõi và điều trị tại nhà. Biện pháp điều trị chủ yếu đối với loại bệnh này là bù nước và chất điện giải, do vậy phải đánh giá chính xác và kịp thời tình trạng mất nước của bệnh nhân.
Nếu mất nước nhẹ: Bổ sung nước bằng đường uống khi còn uống được.
Pha loãng Oresol trong 1 lít nước hoặc dùng nước cháo, nước sôi để nguội pha ít muối và đường vừa đủ (1 thìa cà phê muối + 8 thìa cà phê đường + 1 lít nước).
Mất nước nặng: khi lượng nước bị mất lớn hơn 5% trọng lượng cơ thể hoặc khi uống không có kết quả thì phải bù nước bằng đường truyền tĩnh mạch. Tổng số dịch truyền trong 24 giờ sẽ bao gồm trọng lượng cơ thể bị hao hụt và nhu cầu nước bình thường mỗi ngày. Dịch truyền chủ yếu là dung dịch mặn, ngọt đẳng trương. Nếu hạ kali máu phải bù kali.
Dù là loại bệnh có thể phát hiện sớm và điều trị tại nhà nhưng trên hết cần ngăn ngừa bằng cách:
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy mà không có chỉ định của bác sĩ
Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị kịp thời.
4. Bệnh viêm não do virus:
Theo nhận định của các bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm, Viện Nhi Trung Ương thì bệnh viêm màng não thường xuất hiện vào đầu tháng 5 và bùng phát từ tháng 6 đến hết tháng 8 và mầm bệnh thường do côn trùng đốt động vật, rồi sau đó đốt người làm lây bệnh. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng sốt cao giống sốt do virus thông thường nên nhiều người không phát hiện được bệnh và thường chủ quan điều trị tại nhà dẫn đến trở nặng.
Theo ThS. Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, rất nhiều người lầm tưởng viêm màng não chỉ là bệnh của riêng trẻ em nhưng trên thực tế đây là bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và ở mọi lứa tuổi.
Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên với các biểu hiện ban đầu như: Sốt cao trên 39 độ (cũng có trường hợp không sốt cao), chảy nước mũi, ho... Khi không phát hiện sớm, bệnh đã biến chứng nặng thì hiệu quả điều trị rất hạn chế, thậm chí có thể tử vong.
ThS.BS Nguyễn Thành Nam (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, ở thời điểm này, khi người bệnh có bất cứ triệu chứng nào giống như cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường như sốt, sổ mũi, đặc biệt là kêu đau đầu và nôn, sốt cao; triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn; sốt, đau đầu không rõ nguyên nhân thì cần đưa tới bệnh viện để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Tại Việt Nam, virus gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vaccin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là với trẻ em, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản như sau:
- Mũi 1: Lúc trẻ được 1 tuổi
- Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
- Mũi 3: Cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Ngoài ra, nên:
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.
Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp diệt muỗi.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh nếu không cần thiết và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
5. Bệnh cúm:
Cảm cúm là tình trạng viêm mũi kèm viêm họng do virus gây ra, thường bắt đầu với triệu chứng mệt mỏi, toàn thân rã rời, cảm giác lạnh toàn thân, hắt hơi, đau đầu kéo dài trong vài ngày. Thường sau 1 - 2 ngày bệnh nhân sẽ thấy đau đầu, toàn thân mệt mỏi, khó thở, ho, khản tiếng, tức ngực, đi tiểu ít, đờm và nước mũi nhiều, có thể lỏng hoặc đặc, đôi khi kèm theo đau cơ, mệt mỏi, đau đầu và mất cảm giác ngon miệng. Bệnh thường kéo dài khoảng 1 tuần.
Các triệu chứng trên có thể bắt đầu sau 16 giờ mắc bệnh, đỉnh điểm là từ 2 - 4 ngày sau khi phát bệnh. Các triệu chứng này thường chấm dứt sau 7 - 10 ngày, một số có thể kéo dài tới 3 tuần.
Đặc biệt, những người có bệnh tim mạch cần lưu ý, nếu bị mắc cảm cúm có thể gây co mạch làm huyết áp tăng đột ngột do cơ thể bị lạnh, nhất là người có bệnh mạch vành thì rất dễ bị co thắt làm hẹp dẫn tới thiếu máu cơ tim, thậm chí xảy ra nhồi máu cơ tim.
Tuy ở mức độ thông thường, cảm cúm không phài là bệnh nguy hiểm, mọi người vẫn cần lưu ý những điều sau:
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
Tiêm vaccin cúm để phòng bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.
>>> Xem thêm: Phương pháp điều trị cảm cúm tại nhà theo Đông Y
6. Bệnh đau mắt đỏ:
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc do nhiễm khuẩn, do dị ứng với khói bụi, hóa chất hoặc chlorin trong bể bơi.
Bệnh thường lây lan chéo giữa các cá nhân trong gia đình, cộng đồng nơi sinh sống và nơi công sở. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và thường từ vài ngày đến vài tuần.
Bệnh nhân bị viêm kết mạc có thể chỉ bị một hoặc cả hai bên, ban đầu thường có triệu chứng ho, sốt, mắt có cảm giác cộm và đau rát, thị lực giảm, mi mắt sưng nhẹ... 5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, ra gỉ, chảy nước mắt, 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại.
Đại đa số những trường hợp đau mắt đỏ (viêm kết mạc) đều không gây tổn thương nhãn cầu, song vẫn có tỷ lệ biến chứng là 20%, nhiều nhất là gây viêm giác mạc hoặc để lại sẹo, làm giảm thị lực do không điều trị đúng cách và kịp thời.
Các triệu chứng chủ quan dễ phát hiện của bệnh đau mắt đỏ:
– Mắt đỏ
– Cảm giác cộm như có cát trong mắt
– Hay chói mắt
– Chảy nước mắt
– Nhiều rỉ mắt gây dính và khó mở mắt khi sáng ngủ dậy
– Đặc biệt thị lực không giảm ở giai đoạn đầu mắc bệnh
– Mi mắt có thể sưng nề và có xung huyết
Tại Việt Nam, bệnh đau mắt đỏ vẫn chưa có thuốc đặc trị. Các thuốc đang được dùng nhiều hiện nay như Acyclovir, Zovirax... chỉ có tác dụng hạn chế tạm thời sự sinh sôi của virus, do đó, để phòng bệnh hơn điều trị bệnh, mọi người nên lưu ý:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn
Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng
Không dùng chung các vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các loại thuốc nhỏ mắt, dung dịch nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.
Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
Người bệnh cần được cách ly để tránh tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng. Đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà, đặc biệt là thuốc kháng sinh khi chưa có hướng dẫn bác sĩ để tránh biến chứng không mong muốn.
7. Bệnh thủy đậu (trái rạ):
Bệnh thủy đậu hay còn gọi là Trái Rạ do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra. Thủy đậu chủ yếu lây qua đường hô hấp (hoặc không khí), thường gặp nhất ở trẻ em.
Ngoài ra, bệnh còn lây chéo khi người lành không cẩn thận khi tiếp xúc với bóng nước bị vỡ, từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét của người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
Khoảng 10 - 14 ngày sau khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, người bệnh bắt đầu có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ,... ; Trẻ nhỏ thường có dấu hiệu sốt nhẹ, biếng ăn, đôi khi nôn ói.
Ở giai đoạn chính thức của bệnh, cơ thể bắt đầu xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện trong vòng 12 - 24 giờ, các nốt này rất nhanh sau đó sẽ phát triển thành những mụn nước, bóng nước.
Các nốt rạ có thể mọc toàn thân hay rải rác trên cơ thể với đường kính vài milimet, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Thông thường, sau khi nốt đậu mọc thì người bệnh sẽ giảm sốt và những mụn nước này sẽ tự khô đi, trở thành vảy và tự khỏi trong 4 - 5 ngày. Tuy nhiên, nếu các nốt đậu nổi nhiều hơn là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể bệnh đã diễn tiến nặng.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu cần đặc biệt lưu ý:
Nhiễm trùng tại các nốt đậu: Khi nốt đậu bị vỡ hoặc trầy xước, có thể gây viêm tấy, viêm mủ da, thậm chí gây viêm cầu thận cấp... Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng, để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu.
Viêm phổi: Đây là biến chứng thường gặp ở người lớn hơn là trẻ em và thường xuất hiện vào ngày thứ 3-5 của bệnh. Biểu hiện sốt cao, thở nhanh, khó thở, môi tím tái, tức ngực, ho ra máu, đây là biến chứng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.
Viêm não: Bệnh thủy đậu có thể gây biến chứng viêm màng não vô khuẩn đến viêm não và thường gặp nhất ở người lớn. Với loại biến chứng này, tỉ lệ tử vong chiếm 5-20%. Ngay cả khi bệnh nhân được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật.
Biến chứng với phụ nữ mang thai: Nếu mẹ mắc thủy đậu từ 5 ngày trước đến 2 ngày sau khi sinh, trẻ sinh ra dễ mắc bệnh thủy đậu bẩm sinh và có tỉ lệ tử vong cao (khoảng 30%).
Cách phòng tránh bệnh thủy đậu:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng
Sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng
Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
Thực hiện vệ sinh nhà cửa bằng dung dịch sát khuẩn.
Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Hạn chế tiếp xúc người bị bệnh khi không cần thiết để tránh lây chéo.
Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây cho người xung quanh.
>>> Xem thêm: Những thói quen chữa thủy đậu khiến bệnh càng nặng và để lại sẹo
Chế độ ăn 3 bữa 1 ngày có phải là tốt?
Liệu trứng có tốt cho sức khỏe?
Lượng đường trong cơ thể bao nhiêu là vừa phải ?
Muối ăn và muối biển. Sự khác nhau giữa muối ăn và muối biển?
Bạn cần bao nhiêu chất xơ cho cơ thể mỗi ngày?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!