8 bài học quý giá của mẹ sau 2 lần sinh mổ

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Giây phút bạn nghe thấy tiếng con khóc là giây phút thiêng liêng trong cuộc đời mà không bao giờ có thể quên được.

Khi chuẩn bị sinh bé trai đầu lòng vào năm 2009, chúng tôi cũng tham gia một lớp học tiền sản ở bệnh viện nhưng lại bỏ qua buổi học về sinh mổ. Bản thân tôi cũng khá tự tin là mình có thể sinh thường được và cương quyết không dùng cách giảm đau gây tê tủy sống, tôi sợ những tác dụng phụ sau này (như nhiều người đã kể với tôi). Chúng tôi lên kế hoạch cẩn thận cho việc đi đẻ theo những điều đã ghi trong sách và (tất nhiên) không có dự trù về việc sinh mổ. Nhưng có lẽ 'người tính không bằng trời tính'.

Tôi nhập viện từ 6h mà 12h sau đó, cổ tử cung mới mở được 1cm, các cơ co vẫn làm tôi đau tới toát mồ hôi, không thở được, trong khi huyết áp của tôi lại bị tăng cao và có thể gây nguy hiểm. Trong đầu tôi lúc đó chỉ cầu mong có một phép màu để 'lật ngược tình thế'. Nhưng tôi kiệt sức quá rồi! Cuối cùng, với sự động viên của chồng, bác sĩ, hộ lý và gia đình, tôi đã đồng ý chuyển sang đẻ mổ dù tôi thực sự chẳng muốn một chút nào. Kỷ niệm lần đầu đi đẻ thật chẳng tốt đẹp gì nhưng bù lại, con trai đầu lòng của tôi là một cậu bé xinh xắn, khỏe mạnh.

Năm 2011, tôi sinh tiếp con trai thứ hai và lần này, tôi vẫn muốn cố gắng sinh thường vì như vậy sẽ tốt cho con hơn. Bác sĩ sản khoa của tôi không phản đối nhưng nếu muốn làm như vậy, tôi phải chú ý tới chế độ dinh dưỡng để sao cho em bé không vượt quá 3,3 kg. Nhưng lại một lần nữa tôi bị thất bại. Ở tuần thai thứ 38, em bé đã được khoảng 3,7 kg và chúng tôi lại phải chuẩn bị cho lần sinh mổ thứ hai. Tôi sinh bé sau 90 phút nhập viện, bằng phương pháp sinh mổ và bé nặng hơn 4kg. Sau sinh, tôi nghỉ ngơi, thư giãn, trải nghiệm khác hẳn với lần đầu tiên. Trải qua hai lần sinh mổ, tôi nhận ra những điều quan trọng như sau:

1. Hãy chuẩn bị cho mọi tình huống

Chính xác là hãy vẫn thật cẩn thật về kế hoạch sinh con của mình. Bạn lên kế hoạch cho việc sinh thường, sinh không đau nhưng có thể xem qua video về sinh mổ hoặc tìm hiểu các thông tin liên quan từ trước. Hãy lường trước các kịch bản có thể xảy ra và tưởng tượng xem cảm xúc, cách xử lý thế nào. Tôi đã không chuẩn bị tâm lý và mọi thứ cho việc phải sinh mổ nên thấy có đôi chút khó khăn khi trải qua.

8 bài học quý giá của mẹ sau 2 lần sinh mổ

Các mẹ nên lường trước các kịch bản có thể xảy ra và tưởng tượng xem cảm xúc, cách xử lý thế nào (Ảnh: Internet)

2. Nếu bác sĩ khuyên bạn sinh mổ, đó có thể là một lý do tốt

Nếu bác sĩ nói với bạn điều này trong thời gian bạn mang bầu, hãy tìm hiểu về lý do tại sao bạn phải sinh mổ bằng cách hỏi bác sĩ, đọc tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước... Điều gì tốt nhất cho bạn và đứa con của bạn thì đó là việc nên làm. Lên kế hoạch chuẩn bị trước (tinh thần và thể chất) sẽ giúp bạn vượt qua dễ dàng hơn nhiều.

3. Nếu chưa từng trải qua phẫu thuật trước đó, việc chuẩn bị cho khả năng sinh mổ có thể khiến bạn thấy sợ hãi

Trước khi sinh mổ lần đầu tiên, tôi chưa bao giờ phải đụng chạm đến 'dao kéo' nên thực sự không biết việc này sẽ diễn ra như thế nào (nếu trước đó tôi có xem video sinh mổ thì có lẽ đã khác). Kể từ lúc họ chọc cây kim vào cột sống để gây tê cho tôi là tôi đã sợ rồi vì tôi không biết điều gì tiếp theo sẽ đến với mình. Còn lần thứ hai thì khác.

4. Khi bác sĩ nói với bạn rằng bạn sẽ không cảm thấy gì đâu - Họ đang nói dối bạn

Thực sự là tôi có thể cảm nhận thấy chính xác từng đường dao mổ đi như thế nào trên bụng của tôi. Dù không nhìn thấy nhưng tôi biết lúc nào họ rạch túi ối, ép bụng tôi xuống và nhấc em bé ra... Tôi cảm nhận được hết vì lúc đó, tôi hoàn toàn tỉnh táo, chỉ là không biết đau thôi.

5. Bạn sẽ nghe thấy tiếng của con trước khi nhìn thấy con

Khi em bé được đưa ra ngoài, bạn sẽ nghe thấy tiếng con khóc trước tiên. Đó là giây phút thiêng liêng trong cuộc đời mà không bao giờ có thể quên được. Ở cả hai lần sinh con, với tôi, đó là lúc mọi thứ vỡ òa.

6. Bạn có thể không được bế con ngay lập tức

Trong trường hợp của tôi, sau khi em bé được làm vệ sinh, quấn khăn xong thì hộ lý bế con ra cho tôi nhìn con. Lúc đó, bác sĩ vẫn đang khâu vết mổ cho tôi nên tôi không thể chạm vào con được. Rồi tôi lại phải cách ly với con trong vài tiếp đồng hồ. Đó là khoảng thời gian dài đằng đẵng như hàng thế kỷ. Nhưng đó là lần sinh mổ đầu tiên, còn lần thứ hai, tôi đã biết rằng có thể xin bác sĩ cho con nằm trên người mình (skin to skin) sau khi sinh để con không khóc và sớm bú dòng sữa mẹ đầu tiên.

7. Phải uống thuốc sau khi ra viện

Bác sĩ kê đơn cho tôi uống thuốc 2 lần mỗi ngày. Tôi thực hiện răm rắp vì sợ bị đau, sợ rằng nếu không uống thì sẽ xảy ra những điều không tốt sau này. Nhưng tôi đã khốn khổ vì dị ứng thuốc. Theo tôi, bạn chỉ nên uống thuốc giảm đau nếu thực sự thấy cần và không thể vượt qua một cách tự nhiên.

8. Dù bất kỳ điều gì xảy ra, em bé chào đời khỏe mạnh là ổn rồi

Dù sinh thường hay sinh mổ, có thuốc giảm đau hay không, sinh ở nhà hay ở bệnh viện... theo tôi, chẳng có gì đáng bị chỉ trích cả. Em bé khỏe mạnh mới là ưu tiên số 1.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!