Để phát triển tính độc lập của trẻ đồng thời tăng gắn kết gia đình, cha mẹ nên hỗ trợ trẻ bằng những cách đơn giản và thực tế.
1. Bố mẹ phải làm gương
Là cha mẹ, việc thực hiện những gì đã 'thuyết giáo' cho trẻ rất quan trọng. Trẻ sẽ nhìn vào để học cách đạt mục tiêu. Nếu bạn muốn trẻ luôn sẵn sàng vào giờ đi học, bạn cũng phải làm điều tương tự trước giờ đi làm. Bố mẹ sẽ không thể bắt trẻ làm theo nếu chính bố mẹ lại không thực hiện được những điều đó.
2. Tạo tâm lý tích cực
Khi giúp trẻ đặt mục tiêu, bạn phải tạo một không khí lạc quan thông qua cách nói. Trẻ sẽ mất hứng thú nếu có cảm giác giảng đạo hay bắt buộc. Hãy bắt đầu bằng việc tổng kết những điều tích cực mà trẻ đã làm được trong năm qua và khen ngợi những việc trẻ đã làm tốt. Hỏi trẻ những câu hỏi như 'Năm nay con có muốn cải thiện việc gì không? Điều gì sẽ khiến cuộc sống của con tốt hơn và hạnh phúc hơn?'.
3. Hãy gợi ý, đừng áp đặt
Hãy để trẻ làm chủ mục tiêu của mình. Bạn có thể hướng dẫn và gợi ý những đầu việc chung chung và đưa ra ví dụ nếu trẻ 'bí'. Hãy giúp trẻ xác định mục tiêu và đảm bảo chúng phù hợp với lứa tuổi của trẻ và thật tế nhị khi điều chỉnh những gì chưa phù hợp.
Trẻ 7-12 tuổi là thời điểm tốt nhất để tạo lập những thói quen tốt (Ảnh minh họa: Internet)
4. Rút gọn danh sách mục tiêu
Hãy lấy một tờ giấy, bảo trẻ viết ra từ 2 - 3 mục tiêu, mỗi mục tiêu cách nhau một khoảng lớn để bổ sung chi tiết. Việc của cha mẹ là hỗ trợ trẻ lựa chọn những mục tiêu thực tế, cụ thể và trong khả năng thực hiện của trẻ, ví dụ 'Con sẽ giữ phòng ngủ ngăn nắp hơn, con sẽ đọc nhiều hơn',...
5. Nhiều bước nhỏ cho một mục tiêu lớn
Nghiên cứu chứng minh cần 6 tuần để hình thành một thói quen. Vì vậy hãy giúp trẻ chia nhỏ mục tiêu thành những bước đơn giản và dễ thực hiện. Chẳng hạn, nếu mục tiêu lớn của trẻ là giữ phòng ngủ ngăn nắp hơn thì mục tiêu nhỏ là tuần đầu là cất giày lên giá, tuần tiếp nhặt gối từ dưới nền nhà và cứ như vậy.
6. Theo dõi nhưng không quở trách
Hãy kiểm tra định kỳ tình hình thực hiện của trẻ. Nếu kế hoạch không như mong đợi, hãy hỏi trẻ về những khó khăn, giúp chúng hứng thú trở lại và tìm cách điều chỉnh nếu cần. Để tránh quở trách, cha mẹ có thể lấy đó làm mục tiêu cho chính mình.
Cùng trẻ lên kế hoạch cho năm mới cũng là cách đón Tết vui vẻ và ý nghĩa (Ảnh minh họa: Internet)
7. Cùng lập mục tiêu chung cho cả gia đình
Kế hoạch sẽ mang các thành viên đến gần nhau, đặc biệt khi cả gia đình quyết định đặt mục tiêu chung. Cùng làm từ thiện, cùng đi thăm ông bà, cùng đi du lịch là những mục tiêu thực tế và giúp trẻ hình thành lòng tốt. Bạn không thể ép trẻ tốt bụng nhưng có thể truyền cảm hứng cho chúng.
8. Biến kế hoạch thành một nghi lễ
Hàng năm hãy lựa chọn 1 thời điểm cho việc lập kế hoạch. Một nguyên tắc trong việc tạo thành nghi lễ là để 5 giác quan hoạt động tối đa. Hãy bật bản nhạc yêu thích của cả gia đình, hãy nấu những món ngon, hãy mua những đồ vật biểu trưng cho điều sẽ xảy ra với mỗi thành viên năm tới, tắt smartphone và tập trung vào nhau.
Ngọc Hòa (Parent)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!