Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Theo Globocan năm 2018, Việt Nam có thêm gần 17.600 ca mắc mới và hơn 15.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp, nghĩa là căn bệnh ung thư rất phổ biến nhưng theo các bác sĩ Bệnh viện K, điều đáng tiếc đa số người bệnh đến khám và điều trị căn bệnh này tại Bệnh viện này ở giai đoạn muộn, đã di căn, gây khó khăn trong việc điều trị và tốn kém về kinh phí.
Trong khi đó ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu.
Nguyên nhân bệnh ung thư dạ dày được các bác sĩ Bệnh viện K cho hay, thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, các yếu tố môi trường, yếu tố nội sinh và yếu tố di truyền.
Các tổn thương tiền ung thư: Viêm dạ dày mãn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo mãn tính niêm mạc dạ dày. Tiếp theo các biến đổi dị sản của tế bào, rồi các biến đổi loạn sản từ mức độ nhẹ, vừa đến nặng. Loạn sản kéo dài cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày.
Nội soi tầm soát, phát hiện sớm ung thư dạ dày tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC
Viêm dạ dày mãn tính thường do chế độ ăn uống, do hóa chất, do suy dinh dưỡng, do rối loạn nội tiết, do dị ứng, do yếu tố miễn dịch, di truyền…
Bệnh không có dấu hiệu lâm sàng đặc trưng. Bệnh nhân có những rối loạn cơ năng tương tự như trong rối loạn tiêu hoá xảy ra sớm sau khi ăn, nhất là sau bữa ăn trưa.
Người bệnh có cảm giác nặng bụng, ợ hơi, nhức đầu, mặt đỏ, cảm giác đắng miệng vào buổi sáng, buồn nôn, nôn, chán ăn, táo lỏng thất thường; nóng rát vùng thượng vị xuất hiện sau hoặc trong khi ăn, đặc biệt rõ sau khi ăn uống bia, rượu, gia vị cay chua hoặc ngọt.
Bệnh nhân có thể đau vùng thượng vị không dữ dội, thường chỉ là cảm giác khó chịu, âm ỉ thường xuyên tăng lên sau khi ăn. Chẩn đoán bệnh viêm dạ dày mãn tính chủ yếu dựa vào nội soi và sinh thiết.
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) được coi là một nguyên nhân gây ung thư dạ dày. HP làm viêm teo đét niêm mạc dạ dày mãn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
Thói quen sinh hoạt như việc ăn các loại thức ăn có chứa Nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói... sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Người béo phì dễ bị mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường.
Ngoài ra, ung thư dạ dày liên quan tới một số hội chứng di truyền, người thân có mắc bệnh này.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo một số đối tượng có nguy cơ cần tầm soát ung thư dạ dày gồm: Người trên 50 tuổi; Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa;
Người bị viêm loét dạ dày – tá tràng mãn tính, nhiễm HP; Người có thói quen ăn uống nhiều đồ muối, đồ nướng, thực phẩm bảo quản kém chất lượng; Người thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia; Người có các triệu chứng nghi ngờ ung thư dạ dày: đau bụng, ợ hơi, ợ chua kéo dài, … cũng nên tầm soát ung thư dạ dày
Chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày như thế nào?
Hiện nội soi dạ dày là phương pháp quan trọng để chẩn đoán ung thư dạ dày. Bằng hệ thống nội soi hiện đại, các bác sĩ có thấy phát hiện khối u rõ ràng.
Sinh thiết – Các bác sĩ sẽ lấy một phần khối u qua nội soi dạ dày, sau đó sẽ quan sát mẫu bệnh phẩm qua kính hiển vi để chẩn đoán.
Xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh như cắt lớp vi tính hay siêu âm – phương pháp tạo lại các hình ảnh bên trong cơ thể để nhận định tổn thương.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!