Bà mẹ cho con chơi trò không bố mẹ nào dám

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Rất đông người chơi ở công viên, nhưng không em bé nào dám thử chiếc 'cầu trượt' là tay vịn cầu thang, ngoài trừ hai đứa trẻ 3 và 5 tuổi nọ.

Tại công viên, hai bé 3 và 5 tuổi đang muốn chơi cầu trượt mà trong công viên phố núi chỉ có cái 'tay vịn' là có vẻ giống giống cầu trượt, nó rộng chừng 40 cm, bằng xi măng, trơn phẳng và khá dốc, dài chừng 7-8m dọc theo các bậc thang lên xuống.

Bé lớn hỏi mẹ: 'Con trượt cầu trượt ở đây được không mẹ?'. Người mẹ nhìn thật kỹ rồi nói với con: 'Nếu con cảm thấy an toàn thì con có thể trượt'. Và cô ngồi ngay những bậc thang giữa, chăm chú, tập trung quan sát hai bé bắt đầu chơi mà không hề can thiệp.

Ban đầu hai bé rón rén thử một đoạn cuối của 'cầu trượt', rồi thêm một đoạn nữa,… rồi chẳng mấy chốc leo tuốt lên đỉnh trượt xuống đáy, rồi để trơn hơn nữa, bé cởi áo khoác gió lót xuống mông để trượt. Rất đông người lớn và trẻ con chơi ở công viên, nhưng không có em bé nào chơi 'cầu trượt' này. Một số người lớn nhìn mẹ ái ngại, nhưng rồi dần dần một vài em bé khác được bố mẹ cho lại gần và thử từng chút từng chút một. Một buổi chiều hoàng hôn rộn tiếng cười của con trẻ trong công viên.

Người mẹ này quá liều lĩnh hay đang cho con chị ấy một cơ hội đối mặt với rủi ro, thách thức? Chỉ có chị là hiểu năng lực của con chị, chỉ có chị đánh giá được việc con chị có cảm nhận về an toàn như thế nào, bởi vậy chị bình thản trước mọi phán xét hay ái ngại của những bố mẹ xung quanh. Có gì khác giữa việc con chị được một buổi chiều vui chơi rộn rã tiếng cười và những em bé khác đang tuyệt đối an toàn trong tay bố mẹ dắt dạo chơi công viên? Có lẽ nó hơn một buổi chiều vui chơi rất nhiều.

Bà mẹ cho con chơi trò không bố mẹ nào dám

Giữ trẻ luôn ở mức an toàn là một cách hạn chế sự phát triển của trẻ (Ảnh minh họa: Internet)

- Cái được đầu tiên tôi muốn nói: khi bạn trao cơ hội cho trẻ tức là trẻ được tin cậy. Mỗi một lệnh cấm ban ra, bạn đã tước đi một chút sự tự do nơi trẻ và làm tăng thêm nhiều hơn thế nỗi sợ hãi trong con người trẻ, nó rất gần với nỗi sợ hãi các lực lượng thống trị một cách mơ hồ mà đầy ám ảnh của người lớn.

- Khi trẻ được tin cậy, trẻ sẽ biết tự xoay sở, và đặc biệt phát triển trực giác về sự an toàn. Ngay từ nhỏ từng chút từng chút một, nếu trẻ được đặt vào các tình huống có rủi ro, trẻ sẽ tự mình cảm nhận về độ an toàn rất tốt; thay vì có thể để mình rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm như những trẻ đã quá quen với việc cấm đoán và phó mặc cho bố mẹ giám định độ an toàn.

Khả năng xoay sở của trẻ linh hoạt vô cùng. Nếu bạn từng quan sát thật kỹ trẻ con, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn một cậu bé 3 tuổi tìm và thử rất nhiều tư thế khác nhau để chọn một tư thế an toàn nhất tụt từ độ cao 2m của một cành cây xuống đất. Nói một cách hợp thời hơn, khả năng xoay sở và giải quyết vấn đề, sự dám đối mặt với rủi ro này chẳng phải là tố chất của nhà lãnh đạo đó sao? Sự tích lũy từng ngày như thế, phát triển từ giai đoạn đầu đời như thế không tốt hơn nhiều những khóa học ngắn hạn ư? Bạn tước mất các cơ hội này của con rồi tốn tiền cho con đi học các khóa học phát triển tư duy, phát triển kỹ năng, có ngược đời không?

-  Nói thêm về kỹ năng, cụ thể ở đây là kỹ năng vận động. Một lần được tự do lựa chọn môi trường có độ rủi ro là trẻ được tạo cơ hội để phát triển các kỹ năng vận động hoàn hảo, từ thô đến tinh, từ trực giác đến xúc giác,… Một buổi học thể chất dù có trong môi trường hoàn hảo từ cơ sở vật chất đến giáo viên, thì cơ hội phát triển các kỹ năng vận động của trẻ cũng không thể bằng 60 phút được cho tự do leo trèo một cái cây, tự do thiết kế một máng trượt và trượt trên một đoạn đường gập ghềnh hay trơn láng…

Người lớn chúng ta thường chọn cách dễ nhất cho mình chứ không phải cách tốt nhất cho trẻ. Các nhà quản lý (ngay cả ở Mỹ, khá nhiều người tin tuyệt đối và dựa vào chuẩn Mỹ) đương nhiên chọn yếu tố an toàn tuyệt đối, vậy thì các tiêu chí an toàn họ đưa ra phải có lợi cho họ nhất, để tránh được mọi rủi ro. Nhưng làm bố mẹ, chẳng lẽ chúng ta cũng lười nhác vậy, để cấm con chúng ta cho dễ, để tước mất rất nhiều cơ hội của trẻ?

Nhà giáo Nguyễn Thu Hương

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!