Bác sĩ Chợ Rẫy 'nhiều lúc không dám tin bệnh nhân 91 có thể hồi phục được'

Thời sự - 11/24/2024

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi bệnh nhân 91 điều trị và hồi phục đáng ngạc nhiên - cho hay mấu chốt của thành công kỳ diệu này là do trí tuệ của các chuyên gia ngành y cả nước đã được tập trung cho ca bệnh

Sáng 18/6, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19. Tổng số ca nhiễm 335, trong đó 325 người đã khỏi. Tính đến sáng nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 195 ca nhiễm là người nhập cảnh được cách ly ngay, không có nguy cơ lây ra cộng đồng. 63 ngày liên tiếp không xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng.

10 bệnh nhân đang điều trị tại 7 cơ sở y tế, tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định. Bốn người âm tính lần hai trở lên, chỉ còn 6 người dương tính.

Bệnh nhân 91 - phi công người Anh - điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, là ca nặng nhất, đang hồi phục tốt từng ngày. Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90% (cách đây hơn 3 tuần, phổi của bệnh nhân chỉ còn 10% vùng hoạt động được), thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay anh đã sử dụng được như bình thường, đã dùng được điện thoại di động từ 1 tuần nay, chân đã hồi phục được 4/5.

'Với những thông số này, tôi cho rằng bệnh nhân không cần phải ghép phổi' – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Chiều 17/6, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, tới thăm bệnh nhân 91.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khi bệnh nhân 91 chuyển từ Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM sang Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng của bệnh nhân chuyển nặng, 4 bác sĩ của khoa hồi sức cấp cứu phải túc trực toàn thời gian để ứng trực khi có sự cố phát sinh.

Bác sĩ Chợ Rẫy 'nhiều lúc không dám tin bệnh nhân 91 có thể hồi phục được'

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tới thăm bệnh nhân 91. Ảnh: BVCC

Tại thời điểm trên, phi công người Anh phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, ECMO, cùng hệ thống lọc máu. Diễn tiến ngày càng xấu dù mới 43 tuổi và không bệnh nền. Phổi đông đặc, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính trở lại.

BS Trần Thanh Linh (Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, những ngày đầu bệnh nhân chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng rất nặng. 'Nhiều lúc chúng tôi không dám tin bệnh nhân có thể hồi phục được'- BS Linh chia sẻ.

Trong suốt quá trình điều trị, nhiều nhóm chuyên môn gồm các y, bác sĩ đầu ngành, trưởng khoa các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, được thành lập và hội chẩn. Các bác sĩ đầu ngành cả nước đã tìm mọi nguồn lực, phương án tốt nhất để giúp bệnh nhân nâng cao chỉ số sinh tồn.

Hiện bệnh nhân tự thở với liều lượng oxy hỗ trợ giảm dần còn 1,5 l/phút (những ngày trước đó 3 l/phút, sau đó giảm xuống 2 l/phút). Nam phi công người Anh cũng tỉnh táo, giao tiếp tốt và bày tỏ cảm xúc với đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc.

Theo BS Thức, mấu chốt của thành công kỳ diệu này là do trí tuệ của các chuyên gia ngành y cả nước đã được tập trung cho ca bệnh. Những buổi hội chẩn cấp Quốc gia của Tiểu ban Điều trị được thực hiện liên tục, đội ngũ y, bác sĩ tại chỗ đã dành hết kinh nghiệm, chuyên môn để giúp bệnh nhân hồi phục.

Tại thời điểm Chủ tịch UBND TP.HCM tới thăm chiều 17/6, nam phi công người Anh đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, giao tiếp. Bệnh nhân cũng có thể bắt tay, nói lời cảm ơn khi nhận quà tặng từ lãnh đạo UBND TP.HCM.

BS Tri Thức cho biết thời gian tới, bệnh nhân sẽ được chuyển từ giai đoạn điều trị sang điều dưỡng. 'Chúng ta có thể hy vọng bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường. Hiện tại, có thể nói khả năng sống sót là rất cao, đó là điều tối quan trọng' - BS Thức nói.

Hơn 6.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 93 người, tại cơ sở tập trung hơn 5.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!