Tiềm ẩn những nguy cơ và biến chứng khi tự nhổ răng sữa tại nhà
Chị Thu Hà (Thanh Trì) tâm sự: 'Mình có cậu con trai 5 tuổi đang trong độ tuổi thay răng sữa, vì nghĩ răng sữa đơn giản nên mình tự nhổ răng sữa cho con. Tuy nhiên, sau khi nhổ thì thấy con xuất hiện sưng lợi và chảy máu, sợ quá đưa con đến khám bác sĩ con bị viêm lợi có thể do tay mẹ trong quá trình nhổ răng cho con không sạch sẽ'.
Theo BS chuyên khoa Răng Hàm Mặt Nguyễn Vũ Trung (BV đa khoa Hà Đông), tuổi thay răng sữa của trẻ, sự lung lay sẽ bắt đầu tăng dần chứ không bất ngờ gây đau, cản trở hoạt động ăn nhai của trẻ, trẻ có thể cảm nhận từ từ.
Nếu tự nhổ răng sữa tại nhà thì bố mẹ có thể bỏ qua thời điểm vàng để can thiệp nắn chỉnh, sửa chữa những lệch lạc răng vĩnh viễn ở giai đoạn sớm (Ảnh minh họa).
Thời điểm trẻ thay răng sữa cũng là lúc các răng vĩnh viễn bắt đầu mọc lên, nếu trẻ được đưa tới phòng khám để nhổ răng thì bác sĩ có thể đồng thời thăm khám việc mọc lên của những răng vĩnh viễn. Qua thăm khám, các bác sĩ sẽ biết được răng vĩnh viễn mọc có đúng trình tự không, có đủ chỗ trên xương hàm cho răng phát triển không, những răng mới mọc có dấu hiệu bệnh lý gì không, có bất thường hay không…. Nếu tự nhổ răng sữa tại nhà thì bố mẹ có thể bỏ qua thời điểm vàng để can thiệp nắn chỉnh, sửa chữa những lệch lạc răng vĩnh viễn ở giai đoạn sớm.
Tuy nhiên, có những trường hợp răng sữa khi đến tuổi thay mà vẫn không lung lay hay rụng đi thì cần phải có tác động bên ngoài để nhổ răng sữa nhằm giúp răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí.
Những trường hợp nào tuyệt đối không được tự ý nhổ răng sữa tại nhà?
Theo BS Trung, việc nhổ răng sữa cho trẻ đơn giản nhưng có những trường hợp không nên tự ý nhổ răng sữa mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa răng để bác sĩ khám và tư vấn như:
- Trẻ có bệnh toàn thân (như đái tháo đường tuýp 1) nếu tự ý nhổ răng tại nhà sẽ không kiểm soát được khả năng cầm máu sau khi nhổ răng, có nguy cơ nhiễm trùng cao.
- Trẻ mang bệnh tim mạch có nguy cơ viêm nội tâm mạc, các bệnh về máu, bệnh gan thận, thấp khớp hay truyền nhiễm… thì việc nhổ răng phải có sự đồng ý của các bác sĩ chuyên khoa nhi, tim mạch, răng hàm mặt… phải tuân thủ phác đồ khánh sinh nghiêm ngặt trước và sau khi nhổ răng.
Có những trường hợp không nên tự ý nhổ răng sũa mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa răng để bác sĩ khám và tư vấn (Ảnh minh họa).
Mặt khác, đưa trẻ đi nhổ răng sữa cha mẹ nên thông báo các bác sỹ tiền sử của trẻ, bệnh sử nha khoa và bệnh lý toàn thân để có phương pháp nhổ răng phù hợp cho từng trường hợp riêng biệt. Trẻ đang sốt cao, đang có viêm lợi cấp... thì không nhổ răng cho đến khi hết các triệu chứng toàn thân và tại chỗ.
Với những trẻ bình thường, bố mẹ cũng có thể tự nhổ răng sữa cho trẻ ngay tại nhà. Tuy nhiên, bố mẹ phải rửa sạch tay hoặc quấn gạc vào ngón trỏ lung lay chiếc răng theo chiều từ trong ngoài, lực tăng dần theo ngày cho đến khi chiếc răng có độ lung lay lớn thì khi nhổ răng, trẻ sẽ bớt được cảm giác đau và khó chịu. Bố mẹ nên nhắc trẻ cắn chặt gạc, nuốt nước bọt bình thường, không dùng lưỡi đá vào chỗ răng mới nhổ để tránh chảy máu kéo dài, ăn đồ mềm và nguội, vệ sinh răng miệng như thường ngày. Nếu có hiện tượng chảy máu kéo dài không cầm, sưng đau tại vùng nhổ răng, sốt và các dấu hiệu toàn thân khác thì đưa con đến gắp bác sĩ chuyên môn.
Lưu ý để trẻ có hàm răng đẹp
Mặc dù trẻ còn nhỏ, nhưng mẹ đừng coi nhỏ việc kiểm tra răng định kỳ cho trẻ. Ngay khi bé 1 tuổi, mẹ hãy đưa bé đi nha sỹ để kiểm tra xem răng bé có mọc đều, bình thường hay có bị sâu răng không, việc kiểm tra sớm sẽ giúp bé sau này có hàm răng đều và đẹp
Nếu phát hiện trẻ sâu răng hay viêm lợi, sưng tấy, sốt các mẹ không tự ý mua thuốc hoặc chữa bệnh cho trẻ bằng các loại thuốc lá dân gian để đắp vào chỗ đau. Điều này rất nguy hiểm, vì có thể gây nhiễm trùng vết thương, phải đưa trẻ đến cơ sở nha khoa để kiểm tra.
Để có hàm răng tốt không nên cho trẻ sử dụng các loại nước có ga, bất kể trẻ lớn hay nhỏ sau khi uống sữa phải cho trẻ tự uống nước lại tráng miệng tránh tình trạng sâu răng do đồ ngọt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!