Hội chứng ngưng thở lúc ngủ và ngáy kéo theo những hậu quả nặng nề mà ít ai nghĩ đến như: rối loạn chức năng cơ tim, loạn nhịp, thiếu máu não, cao huyết áp, tỷ lệ tử vong cũng như tỷ lệ gặp tai nạn giao thông, lao động cao (do buồn ngủ ban ngày)… Ngoài ra, bệnh còn gây thay đổi thái độ, hành vi: dễ nóng giận, bức xúc do quá mệt mỏi vì hay bị thức giấc nửa đêm.
Theo lời khuyên của bác sĩ, người bệnh nên đến bệnh viện để làm chẩn đoán sớm và điều trị ngay từ lúc bệnh trạng còn nhẹ để giảm mức độ nguy hiểm. Trên thế giới hiện có rất nhiều phương pháp tiên tiến và ở nước ta cũng đã bắt đầu áp dụng tùy theo mức độ của bệnh.
Nếu bệnh nhân chưa có điều kiện tiếp nhận những phương pháp cao cấp theo chỉ định của bác sĩ (phẫu thuật, thở CPAP…) thì tạm thời có thể áp dụng những phương pháp đơn giản sau: tập các bài tập cơ vùng họng, sử dụng dụng cụ giảm ngáy, khí cụ giảm ngáy.
Ảnh minh họa
Sau đây là một số bài tập cơ vùng họng rất dễ thực hiện cho người bệnh:
1. Mở miệng từ từ (càng to càng tốt) và ngậm chặt hai môi lại trong 5 giây. Bạn sẽ cảm thấy cơ vùng họng chuyển động. Thực hiện động tác này 5 phút mỗi ngày.
2. Le lưỡi ra càng xa càng tốt và giữ yên như vậy trong 5 giây. Sau đó đẩy lưỡi sang phải rồi sang trái, càng xa càng tốt. Tiếp theo, cong lưỡi lên trên về phía mũi như ráng chạm được mũi (tất nhiên là không thể được), cuối cùng là cong lưỡi xuống dưới về phía cằm.
3. Ngậm hai môi lại như bài 1 sau đó làm động tác như hút ống hút (kéo môi vào trong một ít) trong 5 giây. Lặp lại như vậy 5 lần.
4. Ngậm chặt một cây viết chì giữa hai môi trong 5 phút.
5. Mở miệng cười thật rộng (nói chữ ‘WHISKY’) và giữ như vậy trong 5 giây. Lặp lại động tác 6 lần.
6. Chu miệng ra phía trước như sắp hôn ai đó. Giữ động tác trong 5 giây và lặp lại 6 lần.
7. Lấy ngón tay đè vào cằm trong 5 phút.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên (chuyên khoa Hô Hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết: ‘Theo như các công trình nghiên cứu trên thế giới, sau 3 tháng bệnh nhân sẽ thấy được hiệu quả của bài tập này. Vòng cổ của những bệnh nhân béo phì sẽ giảm kích thước, cải thiện được triệu chứng ngáy, ngưng thở và buồn ngủ ban ngày. Nhưng phải đảm bảo điều kiện là bệnh nhân phải tập đúng 15 phút và đều đặn mỗi ngày nếu không sẽ chẳng có tác dụng gì mà bệnh thì ngày càng nặng hơn’. Bên cạnh 7 bài tập vừa nêu trên còn một số bài tập khác như:
- Ngồi thẳng và đưa hàm dưới thẳng ra trước tối đa (lấy hàm trên làm mốc).
- Thả lỏng hàm dưới và lần lượt đưa hàm dưới tối đa sang hai bên.
- Thổi bong bóng cũng làm cơ vùng họng phải hoạt động và săn chắc dần.
- Tập hát để giúp thông khí. Nên hát các nguyên âm hay một số nốt như ‘la’ và ‘si’.
Ảnh minh họa
Song song với việc thực hiện các bài tập này, tổ chức lại lối sống cũng là một việc không kém phần quan trọng mà chúng ta cần phải làm:
- Nên ngủ tối thiểu 7 giờ/ngày;
- Tránh hút thuốc; tránh uống thuốc ngủ, kháng histamin và các loại thức uống có rượu trong vòng 4 giờ trước khi ngủ; nằm nghiêng khi ngủ; quay đầu giường lên cao 10cm (chú ý kê đầu giường lên cao, không phải nằm gối cao) và nên giảm cân.
- Bệnh nhân còn có thể chữa trị bệnh này bằng thuốc giảm ngáy, thuốc này giúp làm trơn và mềm màng nhầy mũi - họng, có tác dụng kéo dài trong 7 - 8 giờ và không có tác dụng phụ…
- Một số dụng cụ mà các bạn có thể tự làm được chính là gối giảm ngáy, gối này có một phần lõm ở giữa vì như vậy gối giúp cho cằm hướng lên trên, hàm dưới đưa ra trước, đầu và cổ thẳng hàng với cột sống, làm cho đường thở được mở rộng. Còn có loại gối để phía sau lưng nhằm giữ bệnh nhân nằm nghiêng khi ngủ, không cho lưỡi rớt ra phía sau làm hẹp đường thở.
Ngáy và hội chứng ngưng thở lúc ngủ là những bệnh lý hoàn toàn mới đối với chúng ta, nên nhận thức về mức độ nguy hiểm của bệnh còn chưa cao. Thậm chí nhiều bệnh nhân vẫn chưa chấp nhận điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, cần có sự quan tâm và phối hợp tốt hơn giữa bệnh nhân và bác sĩ mới cải thiện được tình hình sức khỏe.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!