Ngày 25/2, trên tạp chí PLOS Neglected Tropical Diseases, các nhà khoa học đã đưa ra những bằng chứng đầu tiên khẳng định vi-rút Zika có thể gây tổn thương cho các mô bên ngoài hệ thống thần kinh trung ương ngay từ giai đoạn bào thai.
Tại Brazil, đất nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vi-rút Zika đã có hơn 3.000 trường hợp bị nghi ngờ mắc dị tật đầu nhỏ (20/10.000 ca sinh) trong nửa cuối năm 2015. Đã có 7 trường hợp nhiễm vi-rút Zika trong bào thai chết ngay sau khi sinh.
Đặc biệt, nghiên cứu về trường hợp người phụ nữ 20 tuổi tại nước này từ khi mang thai đến khi sinh non gây nhiều lo lắng mới.
Được biết, vào tuần thứ 18 của thai kỳ, bác sĩ phát hiện thai nhi phát triển không bình thường qua siêu âm. Thai nhi bị thiếu cân nặng so với ngày tuổi.
Tuy nhiên, khi đó người phụ nữ không có triệu chứng của nhiễm Zika hoặc các bệnh tương tự do muỗi truyền như bệnh sốt xuất huyết hoặc chikungunya (khiến người bệnh sốt cao, đau nhức dữ dội các khớp cổ tay, bàn tay và bàn chân khiến không thể đi thẳng được, mất năng suất lao động) trong suốt thai kỳ. Do vậy, tình hình của cô đã không được chẩn đoán theo các điều kiện nhiễm bệnh tương đương.
Các nhà khoa học cảnh báo phụ nữ mang thai trong khu vực có nguy cơ cao bị thai chết lưu nên kiểm tra dấu hiệu của vi-rút (Ảnh: Business Insider)
Đến tuần thứ 26 và 30, thai nhi có dấu hiệu đầu nhỏ và thiếu một phần lớn não. Ngoài ra, cũng có thêm những dấu hiệu khác về hội chứng phù thai - chất lỏng tích tụ bên trong bào thai, gây sưng mô. Hai dấu hiệu nói trên là rối loạn đặc trưng cho thấy bé bị dị tật đầu nhỏ với các khiếm khuyết trong hệ thống thần kinh trung ương (gồm não và tủy sống).
Thai nhi tử vong vào tuần thứ 32. Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra mô đã phát hiện ra nhiều vật liệu di truyền từ vi-rút Zika trong não, dịch não tủy và nước ối nuôi dưỡng thai nhi nhưng lại không tìm thấy các vật liệu di truyền vi-rút Zika trong tim, phổi, gan, mắt hay nhau thai. (Vật liệu di truyền: các đại phân tử đóng vai trò lưu giữ và truyền thông tin di truyền qua các thế hệ tế bào, hoặc thế hệ cơ thể - nhiễm sắc thể, phân tử DNA).
Mặc dù vậy, do mới là kết quả quan sát ban đầu, các nhà khoa học không thể ngoại suy các nguy cơ đối với phụ nữ mang thai khác tiếp xúc với Zika chỉ từ một trường hợp nói trên. Tuy nhiên, họ cảnh báo phụ nữ mang thai trong nhóm có nguy cơ cao có thai chết lưu nên kiểm tra dấu hiệu của vi-rút.
Những phát hiện mới này cung cấp thêm bằng chứng ngày càng chắc chắn về sự liên hệ giữa nhiễm Zika và dị tật đầu nhỏ, teo não, cũng như hé lộ liên kết giữa loại vi-rút này và sự tử vong của thai nhi.
Vi-rút Zika có thể gây tổn thương cho các mô bên ngoài hệ thống thần kinh trung ương ngay từ giai đoạn bào thai (Ảnh: Thomson Reuters)
Hồi đầu tháng này, nghiên cứu trên tạp chí Y học New England đưa ra trường hợp một người phụ nữ mang thai có khả năng bị nhiễm Zika đã truyền sang thai nhi. Một nghiên cứu khác trên tạp chí Lancet Infectious Diseases thì cho hay vi-rút được tìm thấy trong nước ối của 2 người phụ nữ mang thai và bào thai của họ được chẩn đoán bị dị tật đầu nhỏ.
Trong khi nhà chức trách vẫn đang đánh giá cách vi-rút có thể lây truyền giữa bà mẹ và trẻ sơ sinh, Tổ chức Y tế Thế giới WHO lại đã công bố hướng dẫn các bà mẹ đã có Zika cứ tiếp tục cho con bú. WHO khẳng định: 'Từ việc cân nhắc các bằng chứng sẵn có, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ và các bà mẹ lớn hơn bất cứ nguy cơ tiềm ẩn nào của việc vi-rút Zika truyền qua sữa mẹ'.
Trao đổi với Business Insider, Giám đốc khoa học của Sanofi - Tiến sĩ Gary Nabel – cho biết con đường tìm ra vắc-xin còn khó khăn. Ông cũng lo ngại rằng việc quan tâm quá mức đến Zika có thể làm cho người ta quên mất sốt xuất huyết, cũng là một trong những căn bệnh gây nhiều hậu quả tại Brazil.
Vi-rút Zika được truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi nhiễm bệnh (nhưng cũng có thể lây qua quan hệ tình dục) đã nhanh chóng lan rộng khắp Trung và Nam Mỹ. Tình hình ngày một phức tạp khi trên thực tế, chỉ có khoảng 20% số người bị nhiễm bệnh có triệu chứng, bao gồm sốt, phát ban, đau khớp, và đôi mắt màu đỏ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!