Có một dạo tuổi già bị một số người định kiến, cho rằng đó là gánh nặng, là kém cỏi, bảo thủ, thiếu tư duy sáng tạo.
Một thực tế đã được ghi nhận Victor Hugo cho ra đời những tác phẩm ưu tú nhất của mình ở tuổi 80. Lamac viết lịch sử phát triển tự nhiên của động vật không xương sống ở tuổi 86. Galilei làm việc miệt mài cho đến tuổi 74. Marie Curie mặc dù bị chất phóng xạ hoành hành vẫn làm việc quên mình, được 2 lần giải thưởng Nobel (giải thưởng lần 2 lúc bà 67 tuổi). Albert Einstein, một trong những nhà bác học vĩ đại nhất thế kỉ ở tuổi 76 vẫn ôm ấp giấc mơ xây dựng lí thuyết trường thống nhất để vẽ lên ‘Một vũ trụ luôn luôn hài hòa trong nhạc điệu tuyệt vời của trí tuệ’. Isaac Newton, nhà sáng lập ra vật lí học kì diệu và làm việc đầy sáng tạo ở tuổi 84. Mendeleev thiên tài về sự phát triển hóa học hiện đại, người phát minh định luật tuần hoàn của các nguyên tố ở tuổi 73… Ở nước ta cũng có nhiều danh nhân tuổi cao mà đầy sáng tạo: Hải Thượng Lãn Ông, người thầy của ngành y dược Việt Nam đưa nhiều y lí sáng ngời khi tuổi đời 67. Lê Quý Đôn không những chỉ giỏi về thiên văn, khí tượng, địa lí mà còn là một nhà văn có tài, làm việc say sưa, sáng tạo đến những ngày cuối cùng của cuộc đời 58 tuổi. Bác Hồ làm việc quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đến tuổi 79…
Ảnh minh họa
Những gương sáng của các nhà bác học không những chỉ cho mọi người về tinh thần say mê lao động mà còn tỏ rõ một phong cách sống yêu đời, vui chơi rèn luyện mẫu mực như: Einstein thích đi thuyền buồm. Victor Hugo sáng nào cũng tập thể dục đều đặn như một thanh niên tráng kiện… Bác Hồ thường lui tới vườn rau, ao cá chăm luyện tập thể dục, thể thao xen vào những giờ lao động mệt nhọc…
Chúng ta cần nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà đại văn hào Pháp Voltaire: ‘Tuổi già đối với kẻ đần độn là gánh nặng, đối với kẻ vô học là mùa đông, còn với con người của khoa học là mùa thu vàng ngọc’.
Thực tế một con người ra đời phải qua 20 - 25 năm chăm sóc, nuôi dưỡng, rồi 10 năm tích luỹ mới lao động có ích kinh nghiệm cho xã hội, thế mà hiện nay không ít người đang bị ‘đánh rơi’, phải sống phí hoài trong nhiều thời gian chết oan uổng ‘có công ăn nhưng không có việc làm’; mới xấp xỉ 50 tuổi mà đã xuất hiện gần như đầy đủ những dấu hiệu của tuổi già! Họ già thật ư? Không! Nhưng thực tế vẫn thấy họ đau lưng, mất ngủ, đãng trí, hay quên… hiệu quả lao động thấp kém. Nguyên nhân có thể do nhiều mặt: mệt mỏi, tâm lí lâu ngày dẫn đến mệt mỏi sinh lí, do môi trường sống bị ô nhiễm, do dinh dưỡng chưa hợp lí và sự rèn luyện bản thân quá ít ỏi!
Vì vậy, người cao tuổi cần quan tâm đến vấn đề môi trường: người lớn tuổi nhu cầu ôxy và sự thải hồi khí cacbonnic rất cao, do đó cần làm việc, nghỉ ngơi, giải trí ở những nơi thoáng mát, không khí trong sạch, không bụi bặm đồng thời phải tăng cường luyện tập để tạo cho cơ thể nhận được ôxy càng nhiều càng tốt, thở sâu bằng đường mũi là phương pháp tốt nhất. Hải Thượng Lãn Ông đã từng khuyên: ‘Rạng đông cày cuốc luyện mình/ Đồng không hít thở thân mình nở nang’.
Chúng ta hãy đánh giá đúng đắn về vai trò của người già và có trách nhiệm bảo vệ tốt sức khỏe cho họ. đó là nhiệm vụ to lớn trong việc giữ gìn kho báu tài năng và những kinh nghiệm sáng tạo cho sự sống lâu dài.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!