Bé 11 tuổi tử vong vì hóc hạt trân châu dù mẹ đã sơ cứu bằng thủ thuật Heimlich

Nuôi dạy con - 05/11/2024

Do hạt trân châu mắc ở ống hút nên cô bé ra sức hút, lực hút mạnh khiến hạt bay thẳng vào cuống họng làm bé ngạt thở.

Tình huống hiểm nghèo khi hạt trân châu mắc kẹt ở phế quản gây tắt đường thở đã cướp đi mạng sống của bé gái 11 tuổi ở TP HCM. Lúc uống trà sữa, do hạt trân châu mắc ở ống hút nên cô bé ra sức hút, lực hút mạnh khiến hạt bay thẳng vào cuống họng làm bé ngạt thở. Người mẹ là bác sĩ chuyên khoa hô hấp đã sơ cứu bằng nhiều phương pháp, trong đó có thủ thuật Heimlich để cứu con nhưng vô hiệu. Cô bé chới với vì ngạt thở, không thể hít vào hay thở ra. Bé tử vong lúc được đưa tới bệnh viện.

Bác sĩ Phan Xuân Trung, công tác tại Trung Tâm Y Khoa MEDIC, người chia sẻ câu chuyện, cho rằng sự ra đi của con gái người đồng nghiệp là vô lý và đáng tiếc. Tuy buộc lòng khới lại nỗi đau của người mẹ, anh vẫn muốn cảnh tỉnh các bậc phụ huynh, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc. Bác sĩ Trung giải thích, hạt trân châu không phải nguyên nhân trực tiếp khiến bé tử vong mà do lực hút mạnh qua ống hút lớn khiến dị vật bay vào cuống họng. Ngoài hạt trân châu, nhiều loại thức dạng viên, làm bằng bột dẻo như đậu đỏ, bánh lọt, chè trôi nước, rau câu, thạch dừa... cũng có thể khiến trẻ hóc dẫn tới tắc thanh quản.

Theo bác sĩ Trung, sự tắc nghẽn đường thở không chỉ do dị vật cản đường thở mà còn do phản xạ khép thanh môn, như trường hợp đuối nước, sặc nước, sặc cháo... Với tình huống uống trà sữa thì nước trà có thể bắn vào phế quản gây ra phản xạ nói trên.

Bé 11 tuổi tử vong vì hóc hạt trân châu dù mẹ đã sơ cứu bằng thủ thuật Heimlich

Thực hiện vỗ lưng, ấn ngực đối với trẻ dưới hai tuổi khi bé bị hóc dị vật.

Để giúp trẻ an toàn khi uống trà sữa, bác sĩ Phan Xuân Trung khuyên các bậc phụ huynh cho con dùng thìa múc trân châu thay vì ống hút. Nếu sử dụng ống hút, nên dùng loại nhỏ. Loại ống hút to khi hút sẽ tạo lực hút mạnh khiến thức ăn lọt vào thanh quản.

Khi xảy ra tình huống trẻ bị hóc dị vật, bố mẹ nên bình tĩnh xử lý theo các cách sau:

- Vỗ lưng, ấn ngực với trẻ dưới hai tuổi hoặc dùng thủ thuật Heimlich với trẻ lớn hơn.

- Nếu trẻ ngưng tim, ngưng thở, phải hà hơi thổi ngạt.

- Trong tình huống trẻ bị hôn mê, ngừng thở, thực hiện hà hơi thổi ngạt kết hợp dùng tay ấn cho tới khi dị vật văng ra.

- Gọi xe cấp cứu để đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Nguyên tắc của Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào hai buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn và đột ngột trong đường hô hấp để đẩy dị vật ra ngoài.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!