Bé gái cũng cần phòng bệnh phụ khoa mùa hè

Làm mẹ - 04/19/2024

Ngay cả những em gái nhỏ tuổi cũng có thể mắc bệnh phụ khoa nếu không được chăm sóc tốt và có chế độ vệ sinh hợp lý.

Nhiều người cứ lầm tưởng chỉ có phụ nữ trưởng thành mới hay mắc bệnh phụ khoa. Nhưng thực tế, ngay cả những em gái nhỏ tuổi cũng có thể mắc bệnh nếu không được chăm sóc tốt và có chế độ vệ sinh hợp lý.

Nhiều yếu tố gây ra bệnh phụ khoa ở trẻ nhỏ

BS. Nguyễn Thị Hiền (Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội) cho biết, không chỉ riêng người lớn mà trẻ em cũng bị mắc bệnh phụ khoa rất sớm, chủ yếu là nguy cơ viêm nhiễm. Thực tế, đáng buồn là những điều này chưa được bố mẹ quan tâm thực sự.

Viêm nhiễm phụ khoa ở người trưởng thành khác với trẻ nhỏ. Đối với trẻ nhỏ, viêm nhiễm phụ khoa có rất nhiều nguyên nhân từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Bởi trẻ đang trong quá trình phát triển và trưởng thành nên nhiều chức năng sinh lý chưa được hoàn thiện, ví dụ như các yếu tố về nội tiết của bé chưa phát triển đầy đủ.

Bình thường, sau khi ra đời, các bé nhận lượng estrogen từ máu mẹ truyền sang, nhưng cấu tạo cơ quan sinh dục ở các bé gái chưa phát triển hoàn thiện do hoạt động nội tiết của buồng trứng chưa nhiều nên thiếu các rào chắn sinh lý giúp ngăn cản nhiễm trùng 'vùng kín'.

Bé gái cũng cần phòng bệnh phụ khoa mùa hè

Ngay cả những em gái nhỏ tuổi cũng có thể mắc bệnh phụ khoa (Ảnh minh họa: Internet)

Ở các bé gái cũng chưa có các nang lông ngăn ngừa bụi bẩn, bản thân các bé lại không biết cách tự bảo vệ bản thân nên thường xuyên cho tay bẩn vào gãi khi ngứa, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Ngoài ra, nhiều bố mẹ khi mặc các loại quần chíp chật hay đóng bỉm thường xuyên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào 'vùng kín' của trẻ.

Đặc biệt, mùa hè, các bé mặc bỉm liên tục hoàn toàn là điều không tốt vì các chất thải như nước tiểu không được thoát ra, trong khi đó mặc bỉm rất nóng, ảnh hưởng trực tiếp lên 'vùng kín' nên càng gây viêm nhiễm.

Ở một số bé gái, nhất là các bé ở vùng nông thôn, nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa từ môi trường sống như tiếp xúc với đất, hay các đồ vật mất vệ sinh… càng cao do nhiễm giun. Khi bị nhiễm giun kim, trẻ thường bị ngứa ngáy, hay gãi, đồng thời giun kim rất hay chui từ hậu môn lên âm đạo gây viêm nhiễm.

Một việc làm sai lầm nữa dẫn đến mắc bệnh ở trẻ là do các mẹ rửa 'vùng kín' của bé bằng xà phòng. Trong xà phòng thường chứa a-xít - chất có tính chất tẩy rửa, khi sử dụng vô tình các mẹ đã làm mất khả năng bảo vệ của 'vùng kín'. Việc chà xát làm đau rát, trầy xước 'vùng kín' của bé cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Bé gái cũng cần phòng bệnh phụ khoa mùa hè

Nên thay bỉm thường xuyên cho trẻ để phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa (Ảnh minh họa: Internet)

Bệnh phụ khoa ảnh hưởng chức năng sinh lý sau này của trẻ

Theo BS Hiền, viêm nhiễm phụ khoa lúc nhỏ, dễ để lại di chứng nặng nề như bị teo mất môi lớn, thu hẹp âm vật cũng như thu hẹp lối vào của âm đạo, làm ảnh hưởng tới khả năng tự miễn dịch của bé khi lớn lên.

Ngoài ra khi đến tuổi dậy thì, máu kinh cũng khó thoát ra bên ngoài, khiến bé gái thường hay bị đau bụng, bụng dưới ngày càng to ra do bị ứ máu kinh lâu ngày, làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Một số trường hợp phải phẫu thuật, tạo đường âm vật giả.

Khi thấy huyết trắng ở bộ phận sinh dục thay đổi về số lượng cũng như mùi, màu sắc từ trắng đến vàng hoặc đỏ tùy tác nhân gây bệnh, có huyết trắng bất thường, ngứa, rát, đau, đỏ vùng âm hộ… trẻ quấy khóc, chán ăn, hoặc ít ăn, thường xuyên cho tay vào vùng kín để gãi, kiểm tra sẽ thấy có những vết mẩn đỏ li ti, hoặc vẩy tróc, nhiều bé tránh né việc vệ sinh vùng kín và cảm thấy đau khi mẹ chạm vào.

Vào thời điểm mùa nắng nóng, vi khuẩn càng dễ phát triển và sinh sôi hơn thì có thể rất xảy ra các trường hợp viêm nhiễm phụ khoa ở trẻ nhỏ do bố mẹ không để ý.

Làm gì giúp con tránh viêm nhiễn phụ khoa

Theo BS Hiền khi con bị viêm nhiễm, bệnh phụ khoa các mẹ không tự ý mua thuốc tự điều trị dưới bất kỳ hình thức nào. Nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra.

Với mùa hè thời tiết nóng bức, cần thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cho trẻ, nên dùng các loại sữa tắm chuyên dụng cho trẻ nhỏ. Tắm xong, cần lau khô âm hộ bằng khăn bông sạch, mềm.

Tránh dùng xà phòng có chất tạo bọt, mùi, để rửa 'vùng kín' cho bé, bởi xà phòng thường có chất tẩy rửa, làm mất cân bằng a-xít lactic tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

Đối với trẻ, kể cả trẻ sơ sinh nên vệ sinh 'vùng kín' hàng ngày cho bé, luôn giữ cho vùng kín được khô, thoáng, không ẩm ướt.

Với trẻ đóng bỉm nên thay bỉm thường xuyên cho trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cần hạn chế việc đóng bỉm cho trẻ.

Tốt nhất không cho trẻ mặc quần lót quá chật hay ẩm ướt. Nên sử dụng quần lót bằng chất liệu cotton để thông thoáng và hút mồ hôi cho trẻ.

Cần tẩy giun cho bé theo định kỳ.

Không thụt rửa 'vùng kín' của bé khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Cha mẹ cần giúp bé rửa tay sạch, cắt móng tay thường xuyên, không ngồi lê trên đất, không đại tiện, phóng uế bừa bãi. Xử lý các chất thải, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!