BHXH Việt Nam vừa có công văn gửi BHXH các tỉnh/thành phố để tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT.
Trước đây, theo Luật BHYT sửa đổi, từ ngày 1-1, bệnh nhân đăng ký BHYT ở các BV quận/huyện thì có thể thông tuyến, tức đi khám ở các BV quận/huyện trong địa bàn một tỉnh, kể cả các phòng khám đa khoa tư nhân, trạm y tế phường/xã; không được thanh toán nếu đi khám ngoại trú ở tuyến trên - BV tỉnh, trung ương.
Theo bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Sở Y tế TP.HCM, nếu một người đăng ký BHYT ở BV quận 1 (TP.HCM) nhưng tự đi khám (không đúng tuyến) tại một BV huyện ở Đồng Nai, Long An… đều được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh nội trú, kể cả ngoại trú theo mức quyền lợi được hưởng (trước ngày 1-1 chỉ được hưởng 70%).
Việc thông tuyến BHYT là để tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh. Ảnh: D.TÍNH
'Việc thông tuyến huyện trên toàn quốc và cho phép bệnh nhân đăng ký BHYT tuyến tỉnh/trung ương khám, chữa bệnh tại BV quận/huyện sẽ góp phần giảm tải cho BV tuyến trên' - bà Đinh Thị Liễu nhận định.
Bên cạnh đó, trước đây BHYT không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú cho bệnh nhân đăng ký BHYT ở tuyến tỉnh/trung ương nhưng xuống BV quận/huyện khám, nay được thanh toán 100% theo mức quyền lợi, bất kể khám nội hay ngoại trú.
Tuy nhiên, bệnh nhân không được thanh toán khi đi khám ở phòng khám đa khoa tư nhân, trạm y tế phường/xã. Nếu nhập viện điều trị nội trú, tuyến tỉnh bệnh nhân được BHYT thanh toán 60% và 40% ở tuyến trung ương.
Công văn hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sửa đổi mới ban hành ngày 21-3, vậy quyền lợi của bệnh nhân khám trước đó ra sao?
'Trường hợp người có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh không đúng tuyến từ ngày 1-1 đến 21-3, nếu có xuất trình thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ nhưng chưa được hưởng BHYT tại các BV, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán, tổ chức giám định để chi trả trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh' - ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hướng dẫn.
Đối với các BV tư nhân (xếp hạng 2, trừ BV Đa khoa Xuyên Á được xếp hạng 3) do chưa có quy định xếp hạng nên tạm thời chưa được thông tuyến, BHXH xác nhận thêm.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách, BHYT, BHXH Việt Nam, cho rằng trong Luật BHYT sửa đổi có điều khoản không cho phép mở thông tuyến ra cho các phòng khám đa khoa tư nhân, trạm y tế ở tỉnh lân cận nhưng mở rộng cửa cho các BV huyện.
Bên cạnh đó, BV tư nhân được xếp loại hạng 2 thì được xem tương đương BV tuyến tỉnh. Do vậy, nếu bệnh nhân đăng ký ở BV hạng 2 xuống BV quận/huyện khám, chữa bệnh cũng sẽ được hưởng 100%; còn nếu muốn lên tuyến tỉnh, trung ương thì phải có giấy chuyển viện. Quy định này đã tạo ra sự bình đẳng giữa công và tư, không có sự phân biệt.
'Mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, là bước khởi đầu cho cải cách hành chính. Đến một lúc nào đó có thể xóa bỏ nơi đăng ký ban đầu. Khi nào hệ thống bác sĩ gia đình hình thành và đi vào hoạt động ổn định thì bác sĩ gia đình sẽ là nơi quản lý sức khỏe ban đầu cho người dân' - ông Sơn nói.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!