Bệnh tim mạch: Kẻ giết người số 1

Kỹ năng sống - 05/02/2024

Nguyên nhân tử vong do bệnh lý tim mạch nhiều hơn gấp 6 lần tổng số người tử vong do 3 loại bệnh lý là HIV/AIDS, sốt rét và lao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguyên nhân tử vong do bệnh lý tim mạch nhiều hơn gấp 6 lần tổng số người tử vong do 3 loại bệnh lý là HIV/AIDS, sốt rét và lao.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị chăm sóc sức khỏe tim mạch và chuyển hóa thế kỷ 21 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hiện nay, cùng với bệnh đái tháo đường tuýp 2, tim mạch đang là gánh nặng cho toàn nhân loại. WHO ước tính, hằng năm có đến 17,2 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số người bệnh tích lũy ngày một nhiều. Trong số đó, bệnh tăng huyết áp chiếm chủ yếu.

Bệnh tim mạch: Kẻ giết người số 1

Ảnh minh họa

Tăng huyết áp có xu hướng gia tăng rất rõ và có xu hướng trẻ hóa. Hiện Việt Nam có khoảng 11 triệu người bị tăng huyết áp. Sự gia tăng này kéo theo sự gia tăng của các biến chứng do tăng huyết áp. Nguyên nhân của tình trạng này là những thói quen không tốt, như: ăn mặn, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng (stress), lười vận động.

Theo giáo sư Nguyễn Lân Việt, Giám đốc Ban quản lý dự án phòng chống tăng huyết áp tại Việt Nam, ăn mặn khiến khối lượng tuần hoàn gia tăng làm tăng áp lực lên các thành mạch. Hút thuốc lá (thuốc lào) làm viêm nội mạc máu, xơ vữa mạch gây nhồi máu cơ tim. Thời gian nghỉ ngơi quá ít, làm việc quá căng thẳng… đều rất có hại cho sức khỏe, là nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp. Vì thế, cần có chế độ sinh hoạt khoa học, khám sức khỏe định kỳ.

Bệnh lý tim mạch có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội, không loại trừ người trẻ, nam giới, phụ nữ hay trẻ em. Hiện nay, để phòng ngừa và điều trị các bệnh lý tim mạch ngoài phương pháp điều trị không dùng thuốc như tập thể dục, thay đổi chế độ ăn và giảm cân nặng, liệu pháp dùng thuốc đóng một vai trò rất quan trong trong đó có thuốc chẹn bêta. Nó giúp làm nhịp tim bớt nhanh, tránh loạn nhịp nhờ kéo dài thời kỳ trơ của sợi cơ tim. Áp dụng nhóm thuốc này một cách hiệu quả đang là tâm điểm của ngành y.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!