Đây là thông tin được ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y tế) đưa ra tại buổi họp báo chiều nay (31-1) trước tình trạng giá khẩu trang 'phi mã' trên thị trường Hà Nội lên tới 20 lần so với bình thường.
Liệu trong những ngày tới, khẩu trang y tế có cạn kiệt hay không trước sức mua tăng cao, có chỗ còn 'tranh cướp', nhiều nơi 'cháy' hàng?
Ông Nguyễn Tử Hiếu cho biết, các thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch phải chuẩn bị gồm: máy thở, máy lọc máu, vật tư y tế (khẩu trang, găng tay, mặt nạ phòng chống dịch, kính bảo hộ). Ngay khi có dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona, Vụ đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế gửi công văn cho các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế để đánh giá năng lực xem có đáp ứng đủ không.
'Công văn gửi đi ngày 28 Tết, chúng tôi đang gọi điện đốc thúc, nhưng khó khăn do nghỉ Tết vì liên quan đến nhân công. Có doanh nghiệp đã gửi báo cáo ngày mùng 10 Tết mới sản xuất, tuy nhiên ngày 7 công nhân đã quay trở lại sản xuất'- ông Hiếu cho biết.
Giá khẩu trang 'phi mã' 300.000đ/hộp
Theo ông Hiếu, hiện có hơn 30 đơn vị sản xuất khẩu trang trong nước. Thời gian qua có tình trạng lợi dụng gom hàng, tăng giá do tâm lý phòng dịch của người dân.'Chúng tôi tuyên truyền cho doanh nghiệp phải đáp ứng bình ổn giá, nâng cao đạo đức của doanh nghiệp, không bán cho đối tượng đầu cơ găm hàng để đảm bảo nguồn cung ứng cho các cơ sở y tế, đảm bảo đáp ứng cho công tác phòng chống dịch. Đồng thời cũng tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh không được tăng giá. Đề nghị lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, giám sát, xử phạt hành vi tăng giá, găm hàng, đầu cơ trục lợi khẩu trang y tế' – ông Hiếu cho biết.
Theo khuyến cáo của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona, người dân chỉ cần đeo khẩu trang y tế thông thường, không cần thiết phải đeo khẩu trang N95 vì khẩu trang đó chỉ dành cho nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh, thậm chí có thể dùng khẩu trang vải giặt hàng ngày.
Theo ông Phu, khẩu trang y tế về nguyên tắc dùng một lần, không dùng lần hai. Nhưng khẩu trang vải có thể giặt hàng ngày, dùng xong một ngày người dân có thể giặt phơi khô và hôm sau lại tiếp tục dùng.
Bộ Y tế hướng dẫn cách đeo và tháo khẩu trang dùng 1 lần đúng cách
Người dân khi sử dụng khẩu trang y tế chỉ sử dụng khẩu trang 1 lần rồi vất vào thùng rác an toàn, có nắp đậy.
Khi đeo khẩu trang, phải để mặt xanh ra ngoài do mặt này có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong, có thể rơi xuống. Mặt màu trắng có tính hút ẩm nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang. Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng.
Khi mang khẩu trang, tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và cho cộng đồng.
Khi tháo khẩu trang, chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào mặt ngoài khẩu trang để tháo. Đặc biệt không vò khẩu trang vì nếu làm vậy virus sẽ truyền vào bàn tay.
'Do dịch chưa lan ra cộng đồng nên chỉ đeo khẩu trang khi đến những nơi có nguy cơ cao như những nơi đông người, bệnh viện, trên phương tiện công cộng…'- ông Phu nói.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!