Phát hiện bệnh nguy hiểm nhờ mẹ con selfie
Chị Trần Thị Nhung, mẹ của bé Nguyễn Thanh T. 16 tháng tuổi, Vĩnh Phúc, đã sốc khi bác sĩ thông báo con chị bị ung thư võng mạc.
Chị Nhung kể từ khi sinh ra sức khoẻ bé tốt, ăn ngủ rất ngoan. Chị Nhung thường hay đưa con ra quán làm tóc vừa trông con vừa làm tóc cho khách luôn.
Cũng giống như bao bà mẹ cuồng con khác, cứ rảnh là chị lại lôi điện thoại ra hai mẹ con selfie. Mỗi bức ảnh được chị Nhung lưu lại làm kỷ niệm tuổi thơ cho con. Gần đây, chị Nhung chụp ảnh cho con lúc xem lại chị thấy mắt trái của bé có 1 đốm sáng trong 'nhân' mắt.
Chị nghĩ do điện thoại nhưng lấy điện thoại của chồng chị hay những người khác chụp chị cũng thấy đốm trắng đó. Trước đó 2,3 tháng không thấy có hình ảnh đốm sáng. Chị Nhung lên mạng tìm hiểu thấy nói là bệnh về mắt.
Mắt có đốm sáng cảnh báo ung thư võng mạc
Chị cho con xuống Bệnh viện Mắt Trung ương khám, bác sĩ cho biết cháu bị ung thư võng mạc nhưng bệnh vẫn chưa lan xa có thể phẫu thuật laser để bảo tồn mắt. Tuy nhiên, khi nghe đến hai từ ung thư, vợ chồng chị đã không tin vào tai mình. Hai hàng nước mắt của bà mẹ trẻ cứ lã chã rơi.
Nhưng khi được tư vấn may chị hay chụp ảnh cho con lại phát hiện ra được sớm hơn nên cơ hội chữa khỏi bệnh cho bé cao hơn.
Một trường hợp khác, bé Hoàng Anh Kh. 1 tuổi quê Thanh Hoá, bác sĩ chẩn đoán u nguyên bào võng mạc. Mẹ của bé Anh Kh. cho biết bỗng dưng chị thấy mắt con bị lác dù khi sinh ra bé hoàn toàn bình thường. Gia đình bé đi xem bói thì được thày phán động long mạch nên về cầu cúng gần tháng trời vẫn không đỡ.
Mẹ bé đưa con ra Bệnh viện Mắt khám và được bác sĩ thông báo đó là ung thư chứ không phải động long mạch như gia đình bé đang cúng bái.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương bệnh ung thư võng mạc là một trong các bệnh ung thư xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân của bệnh được xác định là do gen.
Ở Việt nam, chưa có số liệu đầy đủ về tỷ lệ mặc bệnh hàng năm. Theo ghi nhận của GS. Nguyễn Chấn Hùng (1995 – 1997) UNBVM đứng hàng thứ 4 ở trẻ em dưới 15 tuổi, số lượng bệnh tại Bệnh viện Mắt có chiều hướng gia tăng. Một thống kê 1990 – 1998 trung bình 27 trường hợp/năm.
Một ghi nhận khác từ tháng 9/1999 – 9/2001 là 84 trường hợp, trung bình 42 trường hợp/năm.
Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện K trung ương
Mặc dù bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và hiếm gặp trên 7 tuổi nhưng thực tế tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, vẫn gặp khá nhiều trường hợp trẻ trên 7 tuổi và thường là phát hiện bệnh muộn do gia đình không để ý hoặc do quan niệm sai lầm không hiểu biết về bệnh, một số ít trường hợp do chẩn đoán lầm với bệnh lành tính của các cơ sở y tế.
Theo nghiên cứu của tiến sỹ Phạm Thị Việt Hương, tại Bệnh viện K, tuổi bị bệnh trung bình 11,6 tháng, tối thiểu phát hiện bệnh ngay sinh ra, tối đa gặp 50 tháng tuổi. Tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 18,3 tháng. Sớm nhất là được chẩn đoán lúc 3 tháng và muộn nhất là 60 tháng.
4 dấu hiệu cần nhớ
Bệnh nhi phần lớn bệnh đã ở vào giai đoạn khá muộn, có đồng tử trắng, giảm thị lực và mắt lác. Những dấu hiệu khác như đồng tử giãn và mất phản xạ, mống mắt bạc màu, ngấn máu tiền phòng hoặc viêm tổ chức hốc mắt không nhiễm khuẩn, viêm nội nhãn. Mắt đỏ, đau nhức do tăng nhãn áp thứ phát.
Bác sĩ Hương cho biết, giống như các bệnh ung thư khác, nếu bệnh nhi được phát hiện sớm thì cơ hội chữa bệnh cho trẻ cao hơn. Trẻ có thể sống khoẻ mạnh không bệnh.
Tỷ lệ sống thêm 5 năm toàn bộ của trẻ em u nguyên bào võng mạc ở Mỹ là 93%. Tỷ lệ sống thêm tương đương nhau ở trẻ trai và trẻ gái, hơi cao hơn ở trẻ da trắng so với trẻ da đen (94% so với 89%).
Những bệnh nhân mà di căn thì thường di căn trong vòng 1 năm kể từ chẩn đoán. Sống thêm 5 năm không tái phát được xem là chữa khỏi. Tiên lượng của trẻ bị di căn thì kém hơn – bác sĩ Hương cho biết.
Chính vì thế, bố mẹ có thể tự phát hiện được các dấu hiệu của bệnh để đưa con đến bệnh viện sớm hơn. Bác sĩ Hương cho biết có 4 dấu hiệu chính như sau:
- Đồng tử trắng: 56% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này. Thường được mô tả bằng nhiều từ khác nhau như 'mắt mèo', 'mắt thú', 'mắt có ánh sáng lập lòe', 'mắt có ánh sáng lấp lánh, rực rỡ'.
Khi nhìn vào mắt bé, cha mẹ thấy có ánh trắng (nhất là vào ban đêm hoặc trong phòng tối vì khi đó đồng tử giãn), cũng có thể thấy 1 hoặc 2 đồng tử màu trắng hay vàng khi chụp ảnh buổi tối có dùng đèn flash.
- Lé (lác): 34% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này. Đặc biệt, nếu bé bị lé trong vòng 6 tháng tuổi thì nên nghi ngờ có ung thư võng mạc. Lé cũng là một biểu hiện thường gặp của tật khúc xạ, cần được phát hiện, điều trị sớm.
- Thị lực kém: 8% trường hợp bệnh được phát hiện vì có dấu hiệu này.
- Các biểu hiện khác: đỏ và đau nhức mắt do tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, viêm tế bào hốc mắt, xuất huyết tự nhiên trong tiền phòng, trong pha lê thể. Đây là các biểu hiện muộn hơn của bệnh.
Các phương thức điều trị chuẩn bao gồm khoét bỏ nhãn cầu, xạ trị với tia xạ từ ngoài, các tấm có hoạt tính phóng xạ (liệu pháp tia phóng xạ để gần I – 125), liệu pháp lạnh, cắt bằng tia laser và hóa trị. Khuynh hướng hiện nay là cố gắng bảo tồn mắt và thị lực ở giai đoạn sớm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!