Dị ứng thuốc là một nhóm các triệu chứng bị gây ra bởi những phản ứng dị ứng khi sử dụng các loại dược phẩm.
Các mức độ của dị ứng
Một cách tổng quát, những phản ứng bất lợi từ việc sử dụng dược phẩm không phải là không phổ biến. 'Công tâm' mà nói thì hầu như thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng bất lợi.
Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng chẳng hạn sốc phản vệ…
Dị ứng thuốc đúng nghĩa xảy ra khi có một phản ứng dị ứng sau khi sử dụng một loại dược phẩm nào đó. Lần đầu tiên khi sử dụng một loại dược phẩm nào đó, hệ miễn dịch sẽ có một đáp ứng, lần kế tiếp sử dụng loại dược phẩm ấy, lại sẽ xảy ra một đáp ứng miễn dịch.
Hội chứng Steven-Johnson là biểu hiện nặng nề khi dị ứng thuốc (Ảnh minh họa: Internet)
Khi ấy, cơ thể chúng ta sẽ tạo ra kháng thể và histamin. Đa số những trường hợp dị ứng thuốc sẽ gây mẩn đỏ da, tuy nhiên có một số trường hợp nghiêm trọng thì những phản ứng dị ứng xảy ra toàn cơ thể và có thể nguy hại đến tính mạng.
Penicillin và những kháng sinh 'bà con' của nó rất thường gây ra những trường hợp dị ứng thuốc. Những loại thuốc khác cũng hay gây ra sự dị ứng thuốc bao gồm các thuốc sulfamide, thuốc chống co giật, các chế phẩm insulin (đặc biệt insulin có nguồn gốc từ súc vật), thuốc gây tê cục bộ (chẳng hạn novocain)…
Một số trường hợp dị ứng thuốc được cho là đặc ứng, nghĩa là phản ứng dị ứng này là một tác động rất 'xa lạ' của thuốc, ví dụ như aspirin có thể làm bùng phát các cơn hen suyễn.
Biểu hiện và điều trị
Các triệu chứng của dị ứng thuốc bao gồm: Nổi ban, nổi mẩn, ngứa da, ngứa mắt, hơi thở khò khè, sưng môi, sưng lưỡi, sưng mặt… Những triệu chứng của sự phản vệ bao gồm: Khó thở, giọng khàn, nổi ban nhiều vùng trên cơ thể, ngất xỉu, xây xẩm, mạch nhanh, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, hồi hộp, đau bụng…
Để điều trị dị ứng thuốc, các thầy thuốc thường dùng các loại thuốc kháng histamin (để làm giảm sự ngứa da, nổi mẩn), thoa corticosteroid vào da, các thuốc giãn phế quản để hạn chế những triệu chứng giống suyễn, tiêm epinephrine (adrenaline) để trị sốc phản vệ.
Hiện tại không có cách gì để ngăn ngừa dị ứng thuốc, nếu bạn biết rằng mình bị dị ứng với một loại thuốc nào đó thì 'tránh voi chẳng xấu mặt nào'. Đừng bao giờ sử dụng chúng sẽ là cách tốt nhất để ngăn ngừa dị ứng thuốc. Bạn cũng sẽ được khuyên không nên dùng những loại thuốc 'na ná' như loại thuốc mà bạn bị dị ứng, ví dụ như, nếu bạn bị dị ứng với penicillin thì bạn nên tránh sử dụng amoxicillin hay ampicillin.
>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng thuốc
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!